top of page
  • Ảnh của tác giảVyy Bui

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA FASHION DESIGN & FASHION MKT

Khi chia sẻ với mọi người về quá trình học song ngành, mình nhận được rất nhiều sự quan tâm của các bạn về điểm khác biệt giữa hai chuyên ngành Fashion Design và Fashion Marketing. Xuất phát niềm đam mê thời trang ở lĩnh vực thiết kế, mình đã từng mất một khoảng thời gian để làm quen và cân bằng khi học cả hai và quả thực đó là một hành trình không dễ dàng.


Trong bài viết ngày hôm nay, mình muốn chia sẻ kĩ hơn về điều này để những bạn còn đang phân vân xem nên học ngành nào sẽ có những định hướng rõ ràng hơn cho bản thân. Cùng tìm hiểu nhé!

IMAGE: @VOGUE

1. SỰ ĐỐI LẬP VỀ TƯ DUY SÁNG TẠO

Làm trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung và thời trang nói riêng, tư duy sáng tạo là yếu tố cốt lõi không thể thiếu. Tuy nhiên, sự sáng tạo trong Thiết kế Thời trang hoàn toàn khác với việc sáng tạo nội dung của Marketing Thời trang. Vậy điểm khác biệt đó là gì?

IMAGE: @WESTMINSTER FASHION

Sáng tạo trong thiết kế thời trang là quá trình trau dồi và lên ý tưởng về concept, kiểu dáng trang phục, màu sắc và các khâu xử lý kỹ thuật để tạo nên cấu trúc cho sản phẩm. Tư duy sáng tạo trong thiết kế phần lớn thiên về kết cấu trang phục và tính dẫn hướng (trendy) cho BST. Công việc này yêu cầu sự nhận biết chuyên môn về chất liệu vải, các kiểu phụ kiện, kỹ năng vẽ minh hoạ và tất cả những nguyên liệu cần thiết để xây dựng BST. Thiết kế cũng có rất nhiều phong cách, tư duy sáng tạo về thời trang sàn diễn và tính thương mại là cái mà nhiều sinh viên Design hoặc chính các NTK cũng cần cân bằng rất nhiều. Để có những tác phẩm thiết kế thời thượng, hợp xu hướng nhất, ta cũng cần hiểu về nhu cầu tiêu dùng, phom dáng cơ thể của khách hàng.


IMAGE: @THE FASHION BUSINESS COACH

Khác với đó, tư duy sáng tạo trong Marketing Thời trang thiên về khía cạnh kinh doanh nhiều hơn. Nếu Fashion Design là làm sao để tạo nên một BST thì Fashion Marketing sẽ giải quyết vấn đề làm sao để BST đó đến được với công chúng? Khi ấy, công việc sáng tạo nội dung (content creator) giúp ta đẩy mạnh những câu chuyện, thông điệp ý nghĩa cho BST đó. Marketing chính là cách truyền tải và lan toả giá trị nghệ thuật đến số đông một cách rõ ràng nhất. Để đạt được điều này, người làm Marketing cần có khả năng viết lách và diễn giải nhất định. Cái khó của việc sáng tạo nội dung đó là làm sao để tiếp cận được đúng đối tượng mà BST đó hướng đến.









2. CHỌN CON TIM HAY NGHE LÝ TRÍ


Mình không biết những người khác thấy sao, nhưng đối với mình, Thiết kế là “con tim” còn Marketing là “lý trí”. Con tim và lý trí ở đây không nằm ở việc mình thích ngành nào hơn mà mình muốn nói về đặc tính của mỗi ngành.


Đối với Fashion Design, có lẽ chúng ta được nghe theo “con tim” nhiều hơn. Có thể thấy, mỗi NTK đều có một phong cách của riêng mình, những cá tính rất đặc trưng và đôi khi là sức sáng tạo vô cùng bay bổng. Thường khi vẽ thiết kế, mình cảm thấy được thoả sức nghe theo cái tôi cá nhân và không toan tính nhiều. Bởi sáng tạo trong thiết kế đôi khi đến từ những cảm hứng rất ngẫu nhiên, cần có cảm xúc cá nhân mới tạo nên những ý tưởng đột phá. Một thiết kế có thể đi qua vài ba lần chỉnh sửa, nhưng để le lói những ý tưởng thú vị lúc ban đầu, ta cần lắng nghe bản thân và những điều mình thực sự hứng thú.


IMAGE: @ZANDRA

Đối với Fashion Marketing, câu chuyện trở nên hoàn toàn khác khi xuất phát điểm nằm ở “lý trí” nhiều hơn. Lúc này, ta cần nương theo khách hàng và thị trường rất nhiều, đôi khi những thứ ta cho là đẹp chưa chắc đã là thứ có thể tạo ra doanh thu. Trước đây, đọc những bài quảng cáo hay các bài viết trên mạng của nhiều thương hiệu, mình thực sự chẳng nghĩ gì nhiều. Mình chỉ đơn giản là thấy nó hay, thấy nó thú vị. Nhưng giờ mình nhận ra quá trình làm Marketing cần có mục đích trong từng hành động, câu từ, hình ảnh. Cảm xúc của khách hàng chính là yếu tố cốt lõi để làm việc.


Tất nhiên, mình không bảo quá trình thiết kế không có sự lý trí. Thậm chí, bạn cũng cần rất nhiều sự lý trí để tạo nên một BST phù hợp khách hàng. Nhưng bạn có biết sự lý trí trong thiết kế vẫn xuất phát từ khía cạnh Marketing không? Đó là tiếp cận được khách hàng và bán được hàng. Để cân bằng tính sáng tạo và tính thương mại của BST đã là một điều khó, cân bằng giữa 2 ngành Fashion Design và Fashion Marketing càng khó khăn hơn. Nhưng sớm muộn chúng ta đều cần làm quen với điều này nếu có dự định điều hành một thương hiệu cá nhân.


3. KHÁC BIỆT VỀ TƯ DUY HÌNH ẢNH

Thời gian đầu học Fashion Marketing, mình có chút áp lực vì cảm thấy “gò bó” trong lối tư duy hình ảnh. Thực chất, do ngày đó mình chưa hiểu đặc thù của mỗi ngành và còn chút bảo thủ nên chưa chấp nhận phong cách graphic, làm layout khi học Marketing.


IMAGE: @PIXELIFY, @ART COUTURE


Có thể thấy, portfolio boards của thiết kế thời trang (concept board, moodboard, line-up, fabric & color board…) thường được trình bày vô cùng sáng tạo và phóng khoáng. Bạn có thể thấy choáng ngợp với các hiệu ứng đổ màu, cách làm layers cực bắt mắt của sinh viên thiết kế trong nhiều tác phẩm. Ngày xưa mình cũng từng như vậy, thiết kế layout phóng tay và có chút hỗn độn. Mình cho rằng phải như vậy mới sáng tạo, mới ấn tượng và khác biệt. Chính vì vậy, đến khi học Marketing, phải trình bày bài tập một cách ngay ngắn và cân xứng, gần như các yếu tố cần được tối giản và có sự toan tính kĩ (hay còn được gọi là magazine layout), mình lại cảm thấy nhàm chán và mất cảm hứng.

  • Có khoảng trắng, ít chữ.

  • Các yếu tố cân xứng, đối xứng.

  • Chỉ chọn những hình ảnh mạnh nhất, thậm chí chỉ 1-2 ảnh/trang.

  • Tính tối giản, hiện đại.

  • Yếu tố xa-gần trong cách sắp xếp.

  • ….


Nhưng sếp của mình đã từng nói một câu khiến bây giờ mình vẫn nhớ mãi “nếu đề bài cho em một tờ giấy trắng, vậy hãy tìm cách để tạo nên những thứ ấn tượng từ cái nền trắng đó”. Lúc ấy, mình hiểu rằng mình cần thay đổi suy nghĩ và thích nghi với hoàn cảnh. Nó không nhàm chán như mình nghĩ, tất cả là do mình chưa thực sự đầu tư “chất xám” để tạo nên sự đột phá. Cho đến thời điểm hiện tại, cách làm layout của Marketing (logic - sạch sẽ - cân bằng - rõ ràng) được mình áp dụng lên cả phong cách graphic khi thiết kế thời trang. Nó giúp mình học được sự tiết chế cần thiết để tránh bị rối mắt khi người khác nhìn tác phẩm của mình. Ngoài ra, mình cảm thấy vô cùng thích thú với cách làm hình ảnh này và thực chất “những khoảng trống” trên trang giấy có thể tạo câu chuyện thị giác đặc biệt.


4. KHÁC BIỆT VỀ CÔNG CỤ & NỀN TẢNG LÀM VIỆC


Nếu sinh viên thiết kế luôn chìm đắm trong những không gian như phòng may, chợ vải và không thể thiếu các dụng cụ như ghim, kéo cắt vải, mannequin, thước dây, giấy rập, bàn là hơi, giấy vẽ, màu,...thì sinh viên marketing thời trang lại không thể thiếu chiếc laptop với 1001 tabs và ứng dụng phục vụ quá trình nghiên cứu, planning. Nền tảng hoạt động của sinh viên marketing bao gồm tất cả các nền tảng mạng xã hội và website chuyên môn. Cũng như thiết kế thời trang, marketing thời trang cần cập nhật xu hướng và nhiều hơn thế nữa là nghiên cứu đối thủ, cách quảng bá sản phẩm của đối thủ. Digital Marketing (marketing trên nền tảng kỹ thuật số) chính là khía cạnh được áp dụng rất nhiều trong Fashion Marketing. Đây là lĩnh vực thực sự tốn rất nhiều công sức và chất xám vì đặc thù của mỗi nền tảng mạng xã hội là khác nhau, cần lên những chiến lược khác nhau. Có những người cho rằng học Marketing thời trang sẽ “nhàn” hơn Thiết kế vì sử dụng ít công cụ hơn và không phải may, nhưng thực ra không phải như vậy. Mình thấy cả hai ngành đều có những khó khăn riêng và không thể so sánh vì về cơ bản chúng rất khác nhau.

IMAGE: @PAULE KA


5. CON ĐƯỜNG SỰ NGHIỆP KHÁC NHAU

Có những bạn phân vân không biết nên học Fashion Design hay Fashion Marketing vì chưa rõ con đường sự nghiệp của mỗi ngành. Vậy chúng mình cùng tham khảo các vị trí nghề nghiệp sau đấy nhé!

IMAGE: @THECUADRO

1. Con đường sự nghiệp ngành Fashion Design:

  • NTK thời trang.

  • Trợ lý NTK thời trang.

  • NTK chất liệu.

  • Chuyên viên thiết kế rập.

  • Nhà diễn hoạ thời trang.

  • Quản lý sản xuất.

  • NTK phục trang.

  • NTK trang sức.

2. Con đường sự nghiệp ngành Fashion Marketing:

  • Chuyên viên marketing thời trang.

  • Chuyên viên thu mua.

  • Giám đốc sáng tạo.

  • Chuyên viên trưng bày.

  • Phóng viên, biên tập viên, nhà bình luận thời trang.

  • Blogger thời trang.

  • Quản lý thương hiệu.

  • Stylist thời trang.


TUY NHIÊN, HAI NGÀNH CÓ MỐI LIÊN KẾT VÔ CÙNG MẬT THIẾT

IMAGE: @VOGUE MAGAZINE

Có thể nói, Fashion Design và Fashion Marketing vô cùng khác nhau về mặt tư duy và quy trình làm việc. Nhưng thiếu một trong hai, thương hiệu thời trang sẽ khó mà thành công bởi chúng có sự kết nối chặt chẽ và luôn song hành cùng nhau.


Sự sáng tạo và yếu tố nghệ thuật của thiết kế là nền tảng để làm marketing và ngược lại, tính thực tế và lý trí của marketing là yếu tố hoàn thiện các tác phẩm thiết kế.


75 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page