top of page
  • Ảnh của tác giảVyy Bui

NGÀNH TRUYỀN THÔNG & MARKETING THỜI TRANG CẦN HỌC GÌ? (P.2)

Trong ngành công nghiệp thời trang, Truyền thông & Marketing là một trong những khía cạnh cốt lõi quyết định sự thành công của một thương hiệu. Mình được biết, có rất nhiều bạn trẻ yêu thích và hứng thú với lĩnh vực này bởi tính năng động, linh hoạt cùng những trải nghiệm đa màu sắc.


Vậy học ngành này chúng ta sẽ có kiến thức về những mảng nào? Bài viết lần này là những giải đáp nối tiếp cho Phần 1, cùng tìm hiểu nhé!

IMAGE: @BURBERRY


7. FASHION EVENT

Nhắc đến truyền thông và marketing thời trang, có lẽ ta không thể thiếu khía cạnh tổ chức sự kiện. Đầu tiên, bạn sẽ được thực hiện nghiên cứu về các loại hình sự kiện thời trang (fashion show, talkshow, workshop, clothes swap - trao đổi quần áo, hội nghị bàn tròn, fashion week online…). Những kiến thức về quy trình lên ý tưởng về chủ đề sự kiện, branding (logo sự kiện, bảng màu, khẩu hiệu, sứ mệnh, tầm nhìn…) và quảng bá cho sự kiện sẽ giúp bạn thực sự bước vào thế giới năng động của thời trang. Bạn sẽ được làm quen với các vị trí công việc trong ban tổ chức sự kiện thời trang và va chạm thực tế về cách làm việc nhóm. Đồng thời, bạn cần xây dựng Event report - báo cáo sự kiện (bao gồm đối tượng tham gia, quy trình bạn phát triển sự kiện đó ra sao và các chiến lược marketing). Về cơ bản, event report cũng thực hiện các bước tương đồng với brand report nhưng không nghiên cứu sâu về sản phẩm.

IMAGE: @HARPER'S BAZAAR

Ngoài ra, sự kiện thời trang cũng có rất nhiều loại (product launch, fashion show, fashion week, virtual event, online exhibition…). Tùy vào mục đích, tính cách và đặc điểm của những tổ chức/thương hiệu thời trang khác nhau, họ sẽ thực hiện những sự kiện khác nhau. Dù là sự kiện nào, khâu lên kế hoạch (planning) đều thực sự rất quan trọng, mình đã tóm gọn trong 5 bước và sẽ nói chi tiết hơn ở những bài viết tới.


Cá nhân mình rất hứng thú với công việc tổ chức event hoặc tham gia các event về thời trang. Mình yêu thích những thứ năng động và đa màu sắc, đó cũng là một phần lý do mình thích công việc làm báo ở Vietnamnet, bởi thường thì chúng mình sẽ có suất tham gia các sự kiện như vậy từ thời trang đến các lĩnh vực giải trí. Tại LCDF, chúng mình cũng từng tổ chức sự kiện thời trang online, tuy vất vả nhưng những gì thu lại được thực sự đáng nhớ.






IMAGE: @CHOGISEOK

8. ART DIRECTION

Có lẽ tất cả chúng ta đều khá quen thuộc với cụm từ “Creative Director" - Giám đốc sáng tạo đối với các lĩnh vực nghệ thuật nói chung. Giám đốc sáng tạo lĩnh vực thời trang chịu trách nhiệm trong việc truyền đạt các ý tưởng sáng tạo với nhân viên, giám đốc điều hành tại các thương hiệu cũng như những khách hàng riêng lẻ. Họ cần đưa ra những nhận định và lời nhận xét hay cách quản lý nhiều thành viên trong nhóm nhằm truyền đạt một cách hiệu quả tầm nhìn nghệ thuật của mình tới người khác và hiện thực hoá nó. Công việc này cần thuyết trình tương đối nhiều, vì vậy, các kỹ năng trước đám đông là một điều cần thiết.


Ở khía cạnh này, bạn sẽ được học các kỹ năng về truyền thông, cách lên kế hoạch cho chiến dịch quảng bá hình ảnh thương hiệu (thông qua fashion films, editorial, lookbook…), nghiên cứu tâm lý khách hàng, tính cách thương hiệu (brand personality, brand identity), cách làm việc với đối tác và báo chí, tạp chí thời trang, quy trình lên ý tưởng cho một fashion campaign…Đây là một khía cạnh tương đối linh hoạt bởi sau này bạn có thể tham gia làm các dự án khác về phim ảnh, MV ca nhạc chứ không nhất thiết chỉ là những bộ ảnh thời trang, chỉ cần bạn đã trang bị cho mình đủ những kiến thức và kỹ năng cần thiết. Điều quan trọng nhất là bạn cần hiểu được tinh thần của thương hiệu/NTK hay bất kì khách hàng nào mà bạn hợp tác cùng để đưa ra những ý tưởng thu hút nhất, phù hợp nhất.


9. FASHION STYLING

Đối với thế giới thời trang, “phong cách" dường như là tất cả những gì được cộng đồng đặc biệt quan tâm. Từ phong cách cá nhân đến phong cách của celeb, influencers ở các lĩnh vực khác nhau. Chính vì vậy, Fashion Stylist cũng là công việc đang được nhiều bạn trẻ quan tâm và nuôi dưỡng niềm đam mê. Nhà tạo mẫu thời trang làm việc cho các cá nhân, hãng thời trang và thương hiệu quần áo. Trách nhiệm chính của họ bao gồm cung cấp lời khuyên về thời trang; lựa chọn và phối trang phục cho người mẫu chụp ảnh hoặc diễn viên truyền hình, điện ảnh; và chọn đạo cụ, phụ kiện và chuẩn bị cho buổi chụp.

IMAGE: @VERSACE

Vậy bạn sẽ được học những gì ở khía cạnh này? Kỳ sau mình mới học sâu về fashion styling, nhưng theo những nghiên cứu và tìm hiểu của mình, chúng ta sẽ được học kĩ hơn về các phong cách, xu hướng trong thời trang, bên cạnh đó là các kiến thức về cơ thể con người (human body analysis) nhằm phục vụ cho quá trình phối đồ, làm việc với khách hàng.


Ngoài ra, những kỹ năng để làm việc với thợ ảnh, agency thời trang, báo chí/tạp chí cũng không thể thiếu trong quá trình học Fashion Styling, đặc biệt nếu may mắn, bạn sẽ có cơ hội được phối đồ hay trở thành stylist của những người nổi tiếng. Khi ấy, bạn cần chú trọng vào cách xây dựng hình ảnh cá nhân cho khách hàng của mình trong từng chương trình, sự kiện. Học Fashion Styling, bạn cũng sẽ được thực hiện các nghiên cứu về trend, phong cách (trend/style research), làm moodboard, color board, các kỹ năng về media & design…


10. BRANDING

Xây dựng thương hiệu thời trang là gì? Xây dựng thương hiệu là cá nhân hóa các sản phẩm để đảm bảo sự cân bằng giữa các giá trị kinh tế cũng như giá trị nghệ thuật khác nhau. Trong ngành công nghiệp thời trang, Branding dường như đã trở thành chiến lược cạnh tranh chủ đạo của tất cả các công ty thành công.


Để có thể xây dựng và làm truyền thông thành công cho một thương hiệu/sự kiện/chiến dịch nào đó, branding hay bộ nhận diện thương hiệu (logo, slogan, tone màu, packaging, mission & vision, USP - unique selling point…) cần đặc biệt rõ ràng, khác biệt so với các đối thủ.

IMAGE: @SMACK BANG

Hơn cả, tính cách riêng của thương hiệu cần được làm nổi bật, qua đó mới có thể gây ấn tượng và ghi dấu ấn lâu dài với khách hàng. Tùy vào đối tượng mục tiêu của thương hiệu, cách branding sẽ khác nhau. Dù bạn xây dựng thương hiệu dưới hình thức nào (online shop, blog, website, event…) thì việc xác định rõ tầm nhìn, tính chất và phương hướng sản phẩm của mình cũng rất quan trọng. Đây không phải là một quá trình có thể diễn ra trong một thời gian ngắn mà bạn cần thực sự đầu tư chất xám vào nó.


IMAGE: @SMACK BANG

Học Fashion Marketing, thực chất việc làm branding được xuất hiện trong hầu hết các môn học, cô giáo sẽ phân tích kĩ hơn qua các nghiên cứu về thương hiệu, xu hướng hay website thời trang. Bởi chúng ta sẽ không thể có chiến lược marketing tốt nếu branding không ổn từ ban đầu. Nếu bạn tìm thấy những thương hiệu/trang web cuốn hút từ hình ảnh đến nội dung/sản phẩm, đó là bởi vì họ đã rất đầu tư và cẩn thận trong quá trình làm branding đó! Tất cả đều được thực hiện với một mục đích nào đó chứ không phải là ngẫu nhiên, ngay cả những chi tiết nhỏ nhất trong cách làm graphic cũng vậy!


(Fun) fact: Để xây dựng blog The Fashion Alley, mình đã mất gần 3 tháng để nghiên cứu và xây dựng bộ nhận diện thương hiệu với một file PDF gần trăm trang “Blog Setting up plan", bao gồm cả đo lường tương tác và chiến lược về content. Mình từng lập blog trên một nền tảng thiết kế web khác rồi bỏ đi làm lại trên Wix vì giao diện trước đó không phù hợp với branding của mình.


11. DIGITAL MARKETING

Digital marketing, hay còn là marketing trên các nền tảng kỹ thuật số, social media. Đối với lĩnh vực thời trang, các nền tảng kỹ thuật số là yếu tố không thể thiếu, đặc biệt trong thời đại công nghệ ngày càng phát triển hiện nay. Khi mạng xã hội lên ngôi, rất nhiều các thương hiệu thời trang nổi tiếng trên toàn cầu với vô vàn cách làm hình ảnh thú vị, lôi cuốn ngày càng khẳng định được chỗ đứng của mình.

IMAGE: @CANVA

Digital marketing không phải một môn học trong quá trình mình học Fashion Marcom tại LCDF, nhưng nó là mảng được xuất hiện trong mỗi kỳ học. Thực chất làm Fashion Blogging cũng phần lớn là digital marketing, bởi khi đó chúng mình cần xây dựng các chiến dịch quảng bá hình ảnh và nội dung Blog trên các nền tảng mạng xã hội khác nhau. Để có thể làm tốt lĩnh vực này, bạn cần nghiên cứu và tìm hiểu về đặc trưng riêng của từng thể loại mạng xã hội khác nhau: Facebook, Instagram, You Tube, Tik Tok…Tất cả đều có những cách marketing và làm hình ảnh khác nhau để phù hợp với các đối tượng khác nhau trên từng nền tảng. Bên cạnh đó, tuỳ thuộc vào cách branding, sẽ có những nền tảng mạng xã hội nhất định phù hợp với nó. Làm sao để truyền tải được các thông điệp thời trang trên từng nền tảng? Khi thực hiện xây dựng chiến lược cho social media, mình cũng nghiên cứu rất nhiều về đối thủ và cách họ làm chiến dịch quảng bá trên tài khoản của họ. Bạn có thể nghiên cứu về SEO, cách làm quảng cáo, hay tham khảo các công cụ quản lý trang web, mạng xã hội và các ứng dụng làm media & design để có thể thông thạo hơn ở lĩnh vực này. Theo quan điểm của mình, để làm digital marketing thành công, thương hiệu vẫn luôn cần có nền tảng branding tốt bởi chúng có sự liên quan mật thiết đến nhau.


Trên đây là những khía cạnh chúng ta sẽ được tìm hiểu và nghiên cứu khi học Fashion Marketing & Communication, bạn có cảm thấy bản thân mình phù hợp không? Hãy chia sẻ thêm với mình nhé! Cảm ơn bạn vì đã theo dõi, mong những thông tin trên hữu ích với bạn!


394 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page