top of page
  • Ảnh của tác giảVyy Bui

DẤU HIỆU NHẬN BIẾT THỜI TRANG LÀ NIỀM ĐAM MÊ CỦA BẠN.

Trong cuộc sống, ai cũng có những mơ ước và cuộc hành trình của mỗi người là khác nhau. Nhưng ta đều bước lên từ một xuất phát điểm chung, đó là định hình niềm đam mê của bản thân. Có những người nhận biết được điều này từ rất sớm, nhưng cũng không ít người cần trải qua thử thách và đánh đổi bằng thời gian, công sức để tìm được câu trả lời.

Ngành thời trang trong mắt chúng ta là một thế giới vô cùng năng động, sáng tạo và đa màu sắc. Ánh hào quang của các sàn diễn lớn nhỏ và những bộ cánh lộng lẫy đôi khi là những điều đầu tiên thu hút và kéo ta lại gần với nó. Có lẽ, đã đến lúc ta ngồi lại và hướng sự chú ý đó vào chính bản thân mình. Liệu bạn thực sự đam mê lĩnh vực này hay chỉ đơn thuần là hứng thú với nó? Hôm nay mình sẽ gợi mở cho mọi người những dấu hiệu nhận biết bạn có thực sự đam mê thời trang hay không, mình nhận thấy đây là nỗi trăn trở của rất nhiều bạn trong thời gian vừa qua.

(Dưới đây chỉ là những gợi ý dựa trên quan điểm và trải nghiệm cá nhân của mình. Nếu có thể, mọi người hãy chia sẻ thêm với mình và các bạn khác nhé!).


1. Không thể ngừng suy nghĩ về thời trang.


Điều này không có nghĩa là ta nghĩ đến nó 24/7. Chỉ là trong một khoảng thời gian nhất định, đó là những suy nghĩ thường trực trong tâm trí. Rất khó để bạn có thể thôi nghĩ về nó bởi tất cả đều xuất hiện như phản xạ tự nhiên không chút toan tính. Lúc này, những hình ảnh hiện lên trong tâm tư bạn có thể là: cảnh ta cầm bút diễn hoạ; hình ảnh một bản thiết kế; khoảnh khắc catwalk trên runway; hình ảnh một thương hiệu thời trang;...Đôi khi đó chỉ là những suy nghĩ rất ngẫu nhiên (random thoughts) thôi nhưng lại vô tình liên quan đến thời trang và được lặp lại nhiều lần.

Indigo exhibition by @_hafthu_ | @_thefashionstation_

2. Tâm lý hạnh phúc, thoải mái khi ngắm nhìn thế giới thời trang.


Đã bao giờ bạn cảm thấy tâm trí mình được giải toả khi tìm đến thời trang hay chưa? Ngày trước, những lúc có thời gian, hay thậm chí là khi buồn, mình thường xem show truyền hình thực tế về thiết kế thời trang như Next in Fashion (Netflix), Project Runway hay các phiên bản của Next Top Model, The Face...Gần đây có bộ phim Cruella cũng rất ấn tượng dành cho các tín đồ thời trang. Khi tìm đến những hình ảnh gợi mở về thế giới đó như một phương thức để thư giãn, mình cảm thấy vô cùng hạnh phúc và thoải mái. Tất cả những hình ảnh về cách vận hành của thế giới thời trang đều khơi dậy sự tò mò trong mình, mình muốn được xem nữa, muốn được nhìn thấy nhiều hơn, thực sự không bao giờ là đủ. Bởi lẽ, đó là điều mang lại nguồn năng lượng tích cực cho tâm hồn mình.

IMAGE: imdb.com


3. Luôn hướng đến thời trang trong kế hoạch dài hạn của bản thân.


Không chỉ dừng lại ở việc thường xuyên nghĩ về nó, mà mỗi lần nghĩ đến, ta thường đặt bản thân vào viễn cảnh được trải nghiệm tất cả những điều đó trong tương lai. Ví dụ, khi nghĩ về một thương hiệu thời trang nổi tiếng, đã bao giờ bạn tự hỏi: sẽ thế nào nếu đó là mình?; sẽ thế nào nếu một ngày những bộ trang phục mình thiết kế được mọi người đón nhận nhiệt tình?; sẽ thế nào nếu một ngày mình được hợp tác cùng những người mẫu tài năng hay các creative director chuyên nghiệp? Sẽ thế nào nếu hàng ngày mình được ngắm nhìn những bộ trang phục dần được hình thành?...Bất kì ai trong chúng ta cũng có đặc quyền được nghĩ lớn và ước mơ lớn cho bản thân và cộng đồng. Đến một thời điểm nào đó, nếu bạn luôn nghĩ về thời trang ở những bước đi dài và xem nó như một giấc mơ hay thành quả để hướng đến, rất có thể bạn đã thực sự đam mê nó rồi!


4. Có hành động và sự nỗ lực để va chạm thực tế với thời trang.


Ta không thể nghĩ đến những kế hoạch dài hạn rồi để đó, hành động thực tế chính là chìa khóa cho cánh cổng chạm đến niềm đam mê của mình. Ví dụ, bạn yêu thích thiết kế thời trang, có thể bạn sẽ bắt đầu hành động bằng việc chăm chỉ tập vẽ; kiếm tìm những Câu lạc bộ, sự kiện về thời trang để tham gia nhằm tăng trải nghiệm cá nhân; hay có những bạn sẵn sàng đi học may dù biết sẽ khó khăn;…Mỗi người có một cách hành động khác nhau, nhưng điều quan trọng là ta đã thực sự đứng dậy và tìm cách được trải nghiệm với nó dù là những việc nhỏ nhất. Đôi khi, ta sẽ hành động như một bản năng và không hề trì hoãn hay lưỡng lự. Quá trình ấy diễn ra tự nhiên và tạo tâm thế thoải mái vì bản thân ta thực sự muốn như vậy thì đó là đam mê.


5. Luôn tìm cách để duy trì kiến thức về thời trang.


Có những trải nghiệm đến rồi lại đi, nếu không tìm cách duy trì kiến thức, vốn sống của ta sẽ chỉ dừng mãi ở đó. Đặc biệt, đối với ngành thời trang, các xu hướng và phong cách luôn cập nhật theo từng ngày, thậm chí từng giờ. Nói vậy để ta hiểu ngành thời trang luôn đổi mới và đầy tính linh động. Có thể ta không theo đuổi trend, nhưng dù đam mê fashion design hay fashion marketing, ta luôn cần cập nhật một nguồn thông tin nhất định về thị trường. Duy trì kiến thức về thời trang đôi khi cũng chỉ đơn giản là bạn chăm xem các show thời trang hơn, chăm chỉ làm đồ án hơn, chăm nghiên cứu và luyện tập các kĩ năng như làm sketchbook, vẽ máy, dựng brand report, hay luyện rập may…Kiếm tìm những cuốn sách hay về thời trang cũng là điểm cộng cho quá trình bồi dưỡng đam mê của mình. Cũng như cách ta thường nói, để yêu, để thích thật dễ, nhưng để duy trì thì đó là cả một quá trình.

IMAGE: C.Dam Studio

6. Dành phần lớn quỹ thời gian cho lĩnh vực này và coi nó như một phần không thể thiếu trong cuộc sống.


Đối với mình, đam mê là khi ta cảm thấy có thể dành bao nhiêu thời gian cho nó cũng được. Đó là điều mà ta có thể làm hàng ngày, dẫu lặp đi lặp lại nhưng chẳng hề thấy nhàm chán. Bạn có thể tự hỏi bản thân, rằng nếu một ngày nó biến mất khỏi cuộc sống của bạn, liệu bạn có cảm thấy trống vắng? Bạn có thực sự hạnh phúc khi từ bỏ thói quen ấy? Ngày trước, nếu một ngày không vẽ mình sẽ thấy bứt rứt lắm. Giờ đây, gần như 80-90% thời gian trong ngày của mình cũng dành để làm những công việc liên quan đến thời trang. Có những bạn có thể dành hàng giờ để xem các video về thời trang, fashion films hay đọc tin tức về các nhân vật trong làng thời trang. Mỗi người có một cách sử dụng thời gian khác nhau, nhưng nếu bạn cảm thấy đó gần như là hoạt động chính trong ngày của mình, bạn đã có sự đam mê rồi đó!

IMAGE: @the.peterdo

7. Cảm thấy có sự tin tưởng vào bản thân và những người giúp đỡ mình.

Cảm giác này không xuất hiện ở tất cả mọi người, nó cũng không xảy ra thường xuyên bởi phần lớn chúng ta đều từng trải qua sự tự ti. Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi, tại sao mình tự ti vào năng lực của bản thân mà vẫn muốn theo đuổi nó, vẫn muốn tìm cách khắc phục? Đó là bởi vì sâu thẳm trong tâm trí, ta vẫn nuôi dưỡng niềm tin vào bản thân - sự tin tưởng trong trực giác. Khi ta yêu thích một điều gì đó và có ý định sẽ theo đuổi nó lâu dài, ta sẽ có thiên hướng tin tưởng vào những cơ hội và kết quả tốt đẹp mà nó mang lại cho tương lai của mình. Đó là một trong những động lực dẫn đến việc ta cố gắng vì nó. Chỉ là đôi khi cảm giác tiêu cực, sự bí bách trong việc kiếm tìm ý tưởng, hay sự mệt mỏi khi may hỏng đồ sẽ khiến ta vô tình không nhận ra điều này.

Mình không khẳng định về những điều chưa chắc chắn, nhưng mình luôn tin tưởng vào sự gắn kết của bản thân với thời trang. Mình tin vào những mối quan hệ mình đang có, những kiến thức, hay sự giúp đỡ của họ dành cho mình. Sếp của mình thực sự rất tốt, anh hướng dẫn mình cách tư duy trong thời trang, cách nhìn bố cục và xử lý phom dáng. Mình tin nếu thực sự nỗ lực và biết đón nhận sự giúp đỡ của người khác, những dự định thời trang của mình sẽ dần trở nên hoàn thiện.


8. Suy nghĩ về những giá trị cộng đồng mà mình có thể đóng góp nếu theo đuổi thời trang.


Một trong những bước tiến xa hơn ở quá trình xác định đam mê của bản thân đó là nghĩ cho cộng đồng, nghĩ về những điều mình có thể tạo nên giá trị. Đối với những bạn theo đuổi thời trang, chắc hẳn từng có lúc bạn tự hỏi mình có thể đem lại giá trị gì trong thế giới ngập tràn sức sáng tạo ấy? Khi mỗi nhà thiết kế, mỗi thương hiệu đều mang một màu sắc, bạn cần làm gì để tạo nét riêng? Bạn đã bao giờ nghĩ tới thông điệp mà mình muốn truyền đạt tới cộng đồng thông qua ngôn ngữ của thời trang? Hay có thể hiểu, đó là khi ta nghĩ đến sứ mệnh của bản thân trong ngành thời trang.

IMAGE: Hello, Digital!


Có những nhà thiết kế lựa chọn Sustainable Fashion (thời trang bền vững) vì mong muốn bảo vệ môi trường. Một số người lại định hướng thiết kế trang phục truyền thống nhằm phát triển và bảo vệ các giá trị văn hoá. Để xác định được điều này, chúng ta cần thời gian. Nhưng chỉ cần bạn từng có những ý nghĩ sâu xa hơn cho xã hội dựa trên tư duy về thời trang, bạn đã đam mê nó rồi đấy! Không chỉ thiết kế thời trang, dù bạn hoạt động trong lĩnh vực nào, bạn cũng có những cách riêng để mang lại giá trị cho cộng đồng. Mình phát triển The Fashion Alley cũng dựa trên những mong muốn gắn kết cộng đồng những bạn trẻ có niềm đam mê với thời trang, đặc biệt là những bạn beginners. Mình biết chúng ta gặp những khó khăn giống nhau, nhưng đôi khi lại thiếu người để sẻ chia.

lMAGE: Kilomet109


9. Bản thân bạn có khuynh hướng kết giao với những người cùng yêu thích thời trang & nghệ thuật.


Đây chỉ là điều mà mình có thể quan sát được qua trải nghiệm cá nhân và những người bạn quanh mình, có thể với một số bạn sẽ khác. Người ta thường nói, những thứ có tần số giống nhau sẽ thu hút nhau. Bạn sẽ thấy dễ chia sẻ với những người có cùng sở thích, có thể bạn sẽ kiếm tìm những cộng đồng thời trang như các Câu lạc bộ, khoá học, hay những trang blog về ngành này...Ngày trước, mình khá quan tâm mảng fashion photography và cũng có những photoshoot thời trang cần lên ý tưởng nên mình thường follow hoặc add friend các photographer, model trong ngành. Mình cũng theo dõi cả những anh chị cựu LCDF sau khi tham gia show diễn tốt nghiệp. Một phần vì ngưỡng mộ, một phần vì muốn học hỏi và cập nhật những thông tin trong ngành. Bạn bè mình cũng vậy, chính vì thế chúng mình dễ dàng bàn luận và chia sẻ về những vấn đề, diễn biến cụ thể về thời trang hay môi trường mình đang học tập.


10. Hiểu rõ những thách thức của ngành thời trang nhưng vẫn lựa chọn đi đến cùng.


Trong quá trình trải nghiệm, có những thử thách sẽ đặt nhiều người ở bờ vực từ bỏ. Mình từng đọc được rằng, sau ánh hào quang của hai chữ “thời trang", mỗi ngày đều là sự đấu tranh trong tư tưởng của các nhà thiết kế. Đúng vậy, để có thể ra được những thành phẩm được nhiều người đón nhận, họ mất hàng giờ, hàng năm để có thể hoàn thiện từng chi tiết nhỏ trên trang phục, nhiều khi đó là công sức, mồ hôi, nước mắt và cả máu. Khó khăn lớn nhất mà họ gặp phải chính là sức bền bỉ và kiên trì thực sự, mình rất ngưỡng mộ những người có thể duy trì nhiệt huyết với thời trang sau nhiều năm phát triển. Cô giáo của mình, cô May Cortazzi đã có hơn 20 năm làm việc trong lĩnh vực marketing thời trang và thiết kế thời trang, nhưng cô luôn toát lên nguồn năng lượng và cảm hứng bất tận.

Chúng ta là những người trẻ, có nhiều điều sẽ chưa thể thấu rõ vì chưa được trải nghiệm. Nhưng nếu bạn biết trước sẽ có những áp lực, những trở ngại, những cạnh tranh...Bạn có muốn tiếp tục hay không? Bạn có sẵn sàng đánh đổi thời gian cá nhân và những giấc ngủ ban đêm để chinh chiến công việc của lĩnh vực này? Nếu sau cùng, ngay cả khi biết về cái khắc nghiệt của ngành thời trang, bạn vẫn cảm thấy thế giới ấy là niềm vui, là mơ ước của mình thì chắc chắn bạn đã đam mê và có khả năng thực hiện nó.


Để nhận thấy bản thân có niềm đam mê với thời trang, mỗi người sẽ mang những dấu hiệu khác nhau và không phải cả 10 dấu hiệu trên đều xuất hiện thì mới có nghĩa là bạn đam mê đâu! Đôi khi chỉ 2-3 dấu hiệu thôi, nhưng cảm xúc của bạn dành cho thời trang thực sự mạnh mẽ thì tự bạn cũng đã có câu trả lời. Suy cho cùng, chúng ta vẫn là người hiểu bản thân mình nhất, chúc mọi người may mắn và thành công trên hành trình của mình!















1.328 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page