top of page
  • Ảnh của tác giảVyy Bui

CHUYỆN HỌC THỜI TRANG: MÌNH CÂN BẰNG 2 NGÀNH NHƯ THẾ NÀO?

PHẦN 1: ĐAM MÊ & TRÁCH NHIỆM

Chào mọi người! Thời gian vừa qua, khi được biết mình đang đảm nhiệm cùng một lúc 2 chuyên ngành học là Thiết kế Thời Trang và Truyền thông & Marketing Thời Trang, có nhiều bạn quan tâm việc làm sao để mình có thể cân bằng.


Trong bài viết ngày hôm nay, mình sẽ giải đáp thắc mắc của các bạn cũng như chia sẻ nhiều hơn về cuộc sống của mình!


1. Đam mê & trách nhiệm là xuất phát điểm.

Đam mê với Thời Trang có lẽ mình không cần nói nhiều vì nếu mình không đủ đam mê, không đủ tình yêu với Thời Trang, chắc chắn mình sẽ không bao giờ mạo hiểm bản thân để lựa chọn con đường này. Ở đây, mình không nói là trách nhiệm cao, bởi thực sự lúc này nó phải ở mức “tuyệt đối”. Thông thường, học một chuyên ngành thực sự đã rất mệt và đòi hỏi nhiều trách nhiệm. Vậy để cân bằng được hai chuyên ngành, trách nhiệm của bạn ít nhất cần tăng gấp đôi hoặc thậm chí là 3,4 lần. Chưa cần biết sẽ cân bằng kiến thức học thuật giữa Fashion Design và Fashion Marketing ra sao, nhưng niềm đam mê và trách nhiệm thực sự là những điều đầu tiên và là nền tảng để mình bắt đầu chặng đường này.


2. Đam mê & trách nhiệm cũng là điểm tựa tâm lý.

Ta đều biết, học Fashion Design thực sự rất vất vả và tốn kém. Bạn vừa phải nghiên cứu, vừa phải thiết kế, vừa phải bắt tay vào thử nghiệm từ rất nhiều chất liệu sáng tạo khác nhau. Công việc này, như một NTK từng nói, nó mất “mồ hôi, nước mắt và máu” để có thể duy trì. Đặc biệt, khi mình là một người không có thế mạnh nhiều về may, rập, để duy trì bài tập trên trường đúng hạn và đảm bảo chất lượng là một điều không hề dễ dàng.

IMAGE: @BEHANCE

Fashion Marketing cũng không phải ngoại lệ, mình từng bị ngợp trước bài tập của ngành này vì nó đi sâu vào phân tích, nghiên cứu rất nhiều và mình không thể quá bay bổng. Đặc biệt, sự thực tế và tính hiệu quả cao của ngành này cũng gây áp lực cho mình rất nhiều. Bạn sẽ có cảm giác như bản thân xây dựng các chiến dịch truyền thông để “chinh phục” được một phần nào đó của ngành thời trang, để kéo khách hàng về phía bạn.

IMAGE: @DECOLORE.NET

Vậy điều kéo mình lại với cả hai ngành này là gì? Đó là tình yêu và trách nhiệm với công việc được giao.


3. Bản chất của yếu tố “trách nhiệm”.

Vậy trách nhiệm xuất phát từ đâu? Trách nhiệm đôi khi không đơn thuần thể hiện ở việc bạn làm đủ bài, đủ việc hết tuần này qua tuần khác. Bởi có rất nhiều trường hợp chỉ làm đủ số lượng và qua môn nhưng không thực sự hứng thú với kiến thức nhận được. Có trách nhiệm nhưng thiếu đi nhiệt huyết, nó sẽ chỉ còn là nghĩa vụ. Bạn làm vì bạn cần phải làm chứ không phải bạn làm vì bạn muốn. Vậy, thứ mà mình gọi là “trách nhiệm” để cân bằng việc học 2 ngành trong lĩnh vực Thời Trang, nó còn là sự nuôi dưỡng niềm đam mê và những dự định cá nhân mỗi ngày, là sự truyền cảm hứng cho nhau trong một tập thể để công việc luôn có tiến triển.


4. Mối liên hệ giữa trách nhiệm với công việc & tình yêu bản thân

Nếu mình chỉ với mục đích làm đủ bài cả 2 ngành, mình sẽ không duy trì được đến bây giờ. Đó là trách nhiệm với bản thân, với tương lai và sự nghiệp của chính mình. Để làm được điều này, bạn nghĩ tình yêu với Thời Trang là đủ sao? Không hề! Bạn cũng cần thực sự yêu bản thân nữa đó. Yêu bản thân, bạn sẽ luôn có cảm giác muốn mình tốt lên mỗi ngày, không chỉ ở ngoại hình, tính cách mà còn về tư duy, tri thức. Đủ yêu bản thân, bạn sẽ thực sự muốn phát triển nhiều và nhiều hơn nữa. Khi hai thứ tình yêu này thực sự đủ “mãnh liệt”, mình sẽ tự cân bằng được.

Nhiều bạn sẽ hỏi, vậy làm việc nhiều như thế, mất sức lực như thế, hao tổn sức khoẻ thì đâu có nghĩa là yêu bản thân? Cuộc sống với nhiều quan điểm khác nhau, tình yêu đôi lứa cũng có nhiều “cách yêu” khác nhau thì tình yêu bản thân cũng vậy. Hãy yêu và phát triển bản thân theo cách khiến bản thân vui. Mình làm việc nhiều, mình từng mất cân bằng trong sinh hoạt cá nhân, nhưng điều đó không có nghĩa hiện tại mình không chăm sóc bản thân tí nào. Hơn cả, hãy hiểu rằng, điều gì cũng có cái giá của nó, dù bạn chọn yêu hay sống theo cách nào, chắc chắn không ai được tất cả và không ai mất đi tất cả.


Vậy, sau bài viết này, bạn có cách nhìn khác hơn về “trách nhiệm” với công việc không? Tưởng chừng đó là tiêu chuẩn và là yếu tố phổ biến để duy trì bất kì công việc nào, nhưng để thực hiện được, đó là một quá trình cả về tư duy lẫn hành động. Hãy đón chờ bài viết tiếp theo để khám phá tiếp những “yếu tố” khiến mình cân bằng được việc học 2 ngành nhé!









52 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page