top of page
  • Ảnh của tác giảVyy Bui

CHUYỆN HỌC THỜI TRANG: MÌNH CÂN BẰNG 2 NGÀNH NHƯ THẾ NÀO?

Đã cập nhật: 15 thg 4, 2022

BLOG 02: BẢN LĨNH & KHẢ NĂNG ĐỐI DIỆN VỚI ÁP LỰC


Không cần giải thích quá nhiều, ta đều công nhận một điều rằng ngành công nghiệp Thời Trang vô cùng nhiều cạnh tranh và áp lực, nếu chưa nói đến những đặc thù rất riêng của ngành mà phải thực sự dấn thân vào chúng ta mới hiểu.


1. Đối diện áp lực về sức sáng tạo


Ở các bài viết trước về tâm lý phổ biến của sinh viên Thời Trang, mình đã chia sẻ rằng chúng ta đều từng cảm thấy tự ti, mặc cảm về sức sáng tạo cũng như khiếu thẩm mỹ của bản thân. Nguyên nhân là vì chúng ta thường tự so sánh mình với những người khác, điều này gần như không thể tránh khỏi vì ngành Thời Trang có rất nhiều cá nhân xuất sắc với những tác phẩm nổi trội. Dù bạn là sinh viên, hay ngay cả những NTK nổi tiếng, ai cũng đã và có thể đang trải qua điều này.

IMAGE: NORTHUMBIA FASHION

Thời gian đầu mới vào trường, khi mình mới đang học một ngành là Fashion Design, mình áp lực nhiều chứ! Xuất phát điểm, ngay từ hồi làm CLB Thời Trang ở lớp 10, mình là đứa tự ti rất nhiều, suy nghĩ rất nhiều đến mức nó đi vào cả giấc ngủ của mình. Chưa kể, mình cũng từng đề cập về khoảng thời gian vài tháng áp lực vì làm quen với Fashion Marketing tới mức bật khóc. Mình còn từng nghĩ rằng mình không thể sáng tạo trong ngành này, đó là sự thật.





Cho đến nay, mình đã hoạt động trong lĩnh vực Thời Trang được 4 năm, không dài nhưng đủ để mình hiểu ra rằng mỗi người là một cá thể tách biệt với định hướng khác nhau nên đôi khi những áp lực ta tự đặt lên bản thân có phần khập khiễng. Trước đây, mình cũng tự ý thức được là không nên so sánh bản thân quá nhiều, nhưng để thực sự ngấm và làm được điều đó, mình và các bạn đều cần thời gian. Ở thời điểm hiện tại, mình đã phần nào cải thiện được các tâm lý “nhạy cảm” ở khía cạnh này. Chắc chắn còn làm nghề, thì vấn đề này vẫn còn hiện hữu ở mỗi chúng ta. Nhưng để duy trì một cách tích cực, ta cần học cách kiểm soát suy nghĩ và biết giá trị bản thân. Dù mình chưa hoàn thiện, không phải ý tưởng nào của mình cũng tốt ngay từ đầu, mình vẫn nhiều sơ xuất, nhưng mình không ngừng cố gắng. Ai cũng có những lúc bí ý tưởng, nhưng điều đó không có nghĩa ta mất khả năng sáng tạo.


Thực lòng mà nói, để cân bằng được sức sáng tạo cho cả 2 chuyên ngành, mình đã phải tự trải qua tất cả những cảm xúc tiêu cực nhất. Cách để cải thiện chỉ có thể là dám đối diện, đừng trốn tránh và dù bạn cảm giác như có “quả tạ” buộc vào chân mình thì cũng phải cố gắng tiến lên. Ở bên ngoài, có thể các bạn thấy Vyy luôn tích cực, luôn truyền động lực cho các bạn, nhưng thực ra Vyy cũng có những lúc yếu đuối và cũng từng bế tắc nhiều! Mình thực sự không phải “quái vật” như cái tên nhiều người gọi mình.


2. Vượt qua các “nguồn năng lượng tiêu cực”


Thế giới thời trang đa màu sắc là đúng, hào nhoáng là đúng, xa xỉ là đúng, chuyên nghiệp hay tuyệt vời cũng là đúng. Nhưng đổi lại, ngành nào cũng có những góc khuất và sự tiêu cực nhất định. Chẳng qua, chúng ta vì yêu, vì đam mê mà luôn nhìn vào khía cạnh tích cực để cố gắng. Vậy những “nguồn năng lượng tiêu cực” mà mình muốn nói đến là gì? Cô giáo nước ngoài của mình thậm chí còn từng nhấn mạnh rằng ngành Thời Trang rất nhiều quan điểm trái chiều, thậm chí có sự “bảo thủ”. Nhiều người có tuổi nghề trong lĩnh vực Thời Trang cũng từng chia sẻ về yếu tố “toxic” của ngành này. Ngành Thời Trang thực sự có nhiều cá tính lắm, nhiều khi là những cá tính “dị biệt” nữa! Nhưng dù họ là ai, ta là ai, chúng ta khác nhau như thế nào, chúng ta đều đáng được tôn trọng. Công kích lẫn nhau, thể hiện cái tôi cá nhân quá cao, cạnh tranh không lành mạnh…tất cả những điều này đôi khi khiến ta mất đi động lực để tiếp tục, thậm chí mất đi niềm tin vào bản thân nếu bạn vô tình nghe được những lời nói tiêu cực của người khác về mình. Bạn biết không, trong ngành Thời Trang, có rất nhiều ngôn từ và cách hành xử tiêu cực của người khác dễ khiến bạn cảm thấy bị tổn thương về khả năng sáng tạo, phương hướng của bản thân. Thậm chí, sự phân biệt về “đẳng cấp”, “xịn” hay “không xịn” cũng vô cùng phổ biến. Có những người (cố tình) không hiểu rằng phương hướng phát triển khác nhau thì tư duy chắc chắn có sự khác nhau. Để đánh giá và nhìn ra điểm không tốt của nhau thực chất dễ dàng hơn việc ta học cách công nhận họ.


“Nguồn năng lượng tiêu cực” hay tất cả những vấn đề mâu thuẫn, tranh cãi và cạnh tranh trong lĩnh vực Thời Trang, mình đã từng có trải nghiệm và chắc chắn trong tương lai cũng không thể tránh khỏi. Khi gặp phải vấn đề, chắc chắn mình từng rất buồn và không mấy dễ chịu. Mình vượt qua bằng cách chia sẻ, tâm sự cùng gia đình, bạn thân, mình cũng hay tâm sự với sếp nữa. Dần dần, mình luyện được tư duy: Khi ai đó hạ thấp bạn, hãy đón nhận nó và nhìn lại xem mình có thể cải thiện ở đâu và làm sao để làm tốt hơn gấp nhiều lần? Mình coi những ý kiến tiêu cực như động lực. Ta cũng nên cố gắng nhìn ra điểm tốt, điểm mạnh của những đối tượng “hạ thấp” ta và xem có thể học hỏi điều gì từ họ? Ta có khả năng làm tốt hơn không? Việc này không hề dễ dàng, nhưng nếu làm được, tâm lý bạn sẽ vô cùng nhẹ nhàng, thoải mái thay vì giữ trong lòng sự ấm ức và cố tìm cách tìm ngược lại nhược điểm của họ. Chúng ta phải khác họ chứ! Chính vì thế, cuộc sống của mình drama - free lắm và hầu hết những ai tiếp xúc với mình sẽ đều thấy mình khá ôn hòa.


Ngày hôm nay, có những người ủng hộ bạn, nói tốt về bạn nhưng ngày hôm sau, ở một thế giới quan khác, có những người sẵn sàng đối xử ngược lại với bạn. Đó là quy luật không thể tránh khỏi của cuộc sống, hãy chấp nhận, thay đổi mindset và mạnh mẽ bước tiếp.


3. Cân bằng cá tính bản thân khi học 2 ngành

Đã bao giờ bạn tự hỏi, cá tính của sinh viên Fashion Design sẽ khác với tính cách của sinh viên Fashion Marketing ra sao chưa? Nếu có, đây là một thắc mắc thú vị và mình sẽ giải đáp cho các bạn. Có thể góc nhìn của mình sẽ không đúng hoàn toàn với tất cả các trường hợp, chỉ là tương đối nhưng mình chắc chắn bạn có thể nhận thấy nếu dành thời gian tiếp xúc và quan sát.


Sinh viên Fashion Design, theo mình cảm nhận, cá tính của đa số các bạn đều khá trội và thậm chí điều đó thể hiện rõ ràng từ trang phục, phụ kiện đến phong thái. Đôi khi, chỉ cần nhìn qua, ta cảm nhận được họ “đậm chất sinh viên thời trang”. Tuy nhiên, cá tính mạnh nhưng các bạn thường giữ một độ trầm nhất định, có những bạn khá khép kín, hơi khó gần và khiến ta có cảm giác họ “bí ẩn”. Với một số bạn, bên ngoài cởi mở, dễ gần nhưng nội tâm thực sự dữ dội, nhạy cảm và thu mình. Nhiều trường hợp khác, có những người thể hiện cá tính mạnh ngay từ lời nói, có sự sắc sảo nhưng lại vô cùng hài hước, nhưng mặt khác có thể khiến người khác “dè chừng” nếu không quen. Nhìn chung, sinh viên Fashion Design thường toát ra khí chất khá “edgy”, “ngầu”. Thật lòng mà nói, hồi mới vào trường, có một khoảng thời gian mình hơi tự ti vì thấy bản thân không “ngầu” như các bạn, không “cá tính”. Ngày đó, phong cách cá nhân của mình cũng chưa được định hình rõ. Nhưng điều này cần thời gian và sau này mình hiểu ra, “ngầu” hay không còn phụ thuộc vào quan niệm cũng như cách sống của mỗi người. Biết đâu mình thấy họ “ngầu” nhưng thực chất họ cũng đang rất tự ti về bản thân? Cá tính của mình chính là giá trị khác biệt mà mình mang lại.

Ngược lại, sinh viên Fashion Marketing sẽ tạo cảm giác khá “gần gũi”, đúng như đặc thù của ngành là thiên về tiếp thị. Ngay cả về cá tính hay phong cách cá nhân, mình thấy các bạn Marketing cũng có sự khác biệt rõ ràng. Để tránh ảnh hưởng tới các bạn, mình sẽ chỉ nói ở khía cạnh bản thân mình. Khi là sinh viên ngành Fashion Marketing, mình cảm thấy tư duy cũng như cảm xúc của mình có yếu tố tốc độ nhiều hơn, chạy theo thị trường nhiều hơn, xử lý thông tin phải nhanh, nhiều khi sẽ không còn thời gian để từ từ cảm nhận, ngấm ngầm nguồn cảm hứng và “nhập vai” vào concept như Design. Còn tâm trí của sinh viên Design nhiều khi cần sự “tĩnh” nhiều hơn.



Những bạn có cá tính mạnh ở lĩnh vực Marketing cũng sẽ khác những bạn có cá tính mạnh ở lĩnh vực Design. Đôi khi, mình thấy sinh viên hai ngành như sự “bù trừ” vậy, giống như việc ở thực tế cuộc sống 2 ngành này cũng luôn hỗ trợ, song hành với nhau. Đôi khi, các bạn mình thường hỏi mình phải “phân thân” hay sao? Không phải vậy đâu! Tuy môi trường 2 ngành khác nhau, nhưng cách cân bằng tốt nhất là mình vẫn là bản thân mình thôi, thực hiện tốt bài tập theo yêu cầu của từng ngành. Nếu một ngày mình cảm giác phải “sống hai vai”, như vậy mới là không cân bằng được. Chính sự khác nhau giữa 2 ngành tạo nên mình, nó hoàn thiện mình.


4. Xử lý vấn đề “quá tải công việc”

IMAGE: NORTHUMBIA FASHION

Cảm giác quá tải và kiệt sức thường dường như là điều thường trực ở lứa tuổi sinh viên. Đối với mình, vấn đề này xảy ra 24/7 và nó còn “khốc liệt” hơn mỗi khi mình có midterm hay final ở trường. Mình rất quan trọng việc đúng deadline nên bài của ngày nào mình muốn đủ và xong luôn ngày đó, cả 2 ngành mình đều cố gắng như vậy nên gần như lúc nào mình cũng ở trong trạng thái đang làm việc. Ngoài ra, mình cũng đi làm thêm các job ngoài và điều hành team The Fashion Alley. Tất cả những công việc ngoài giờ học của mình cũng đều có deadline riêng, vậy cuộc sống của mình thực sự không ngày nào là không có deadline. Với khối lượng công việc quá lớn như vậy, làm sao để cân bằng?


IMAGE: NORTHUMBIA FASHION
  • Tự giác, siết chặt kỷ luật bản thân: một minh chứng khá rõ ràng, công việc ở Blog hầu hết các deadlines đều do mình tự đặt ra cho bản thân và cho team. Nếu cảm thấy quá tải, mình hoàn toàn có thể tự lùi chúng lại. Nhưng thực sự mình rất hiếm khi làm vậy, nếu deadline do chính bản thân đặt ra còn không theo được, vậy làm sao có thể đúng hẹn với người khác?

  • Lập checklist công việc cá nhân: trước mỗi tuần mình luôn gạch ra sẵn danh sách những việc cần làm theo mức độ ưu tiên. Nếu không ghi chép và theo dõi cẩn thận, mọi thứ rất dễ rối tung. Mình thường ghi thừa ra cả các đầu việc chưa quá gấp, nếu được thì thực hiện luôn. Nếu không, cuối tuần mình sẽ xếp sang task tuần kế tiếp để đỡ quên.

  • Xếp việc theo ngày trên Google Calendar: đây là ứng dụng mình sử dụng để xếp các task trong checklist trên vào từng thời điểm trong tuần/ngày. Hôm nào xong được hết việc của ngày, đi ngủ cũng thanh thản hơn!

  • Quá tải hay không nằm ở mindset: nếu bạn cho là quá tải, bạn sẽ bị quá tải. Nếu bạn nghĩ mình làm được, bạn tin mình sẽ làm xong những việc đó trong ngày hôm nay, bạn sẽ làm được. Ai cũng thấy mình bị “quá tải”, nhưng bản thân mình gần như không bao giờ sử dụng từ ngữ đó khi nghĩ về công việc. Mình nghĩ đơn giản thôi, đó là những việc mình cần làm và sẽ làm.

5. Hãy có một “chiếc đầu lạnh”.

Sau tất cả, dù có trải qua bao nhiêu khó khăn và áp lực, bản lĩnh của mỗi người nằm ở việc có giữ được “chiếc đầu lạnh” hay không. Vậy thế nào là một “chiếc đầu lạnh”?

Mình đã thực hiện những điều sau để cân bằng và thực hiện tốt các công việc:

  • Tránh để tâm trạng/cảm xúc cá nhân lấn át hay chi phối cảm hứng làm việc.

  • Rạch ròi giữa bài trên trường - việc làm thêm - thương hiệu cá nhân. Không được để các việc ảnh hưởng đến nhau, đã nhận trách nhiệm thì phải làm tốt ngang nhau, thậm chí chúng còn hỗ trợ lẫn nhau.

  • Dù ai nói ngả nói nghiêng, phải vững tin vào bản thân và con đường mình đã chọn. Bản thân là người quyết định, mọi ý kiến là sự tham khảo.

  • Nói được, làm được. Đã dám mơ lớn, dám lựa chọn thì phải cố gắng thực hiện.

  • Sai thì sửa, làm hỏng thì làm lại. Đừng dành quá nhiều thời gian than thân trách phận, cũng đừng vì những khiển trách, chê bai của người khác mà nghĩ mình không tốt.

  • Nguồn cảm hứng làm việc xuất phát từ chính bản thân, không phụ thuộc ai cả: khi mất cảm hứng, hãy nghĩ đến lúc bạn nhận được thành quả, đạt được những điều mình hằng mong muốn. Bạn sẽ lại có động lực đứng dậy.

Chúng ta đều có những lúc buồn bã hay mệt mỏi, mình cũng vậy. Như bao người, mình cũng có những khó khăn trong cuộc sống, những chuyện xui xẻo, vấn đề trong các mối quan hệ…Có những lúc, tinh thần mình đi xuống dữ lắm nhưng rồi mình nghĩ, mình không thương mình thì còn ai thương được mình nữa đây? Không ai có thể giải quyết vấn đề hộ ai cả, sau cùng, để có một “chiếc đầu lạnh”, bạn cần học cách để độc lập và tự đi trên đôi chân của chính mình.










44 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page