top of page
  • Ảnh của tác giảVyy Bui

CÁC BƯỚC THỰC HIỆN MỘT BST THỜI TRANG (P.2)

Thiết kế thời trang là gì đối với bạn? Có thể nó là sức sáng tạo bất tận, là thử thách hấp dẫn nhưng cũng có thể là sự mông lung khi bạn chưa biết bắt đầu từ đâu. Nếu bạn quan tâm đến quy trình hình thành một BST Thời trang hay các bước để lên ý tưởng cho một BST thì đây chính là bài viết dành cho bạn!


Bài viết được thực hiện dựa trên những trải nghiệm cá nhân của mình và những bạn theo học ngành Thiết kế thời trang mà mình biết. Nếu mọi người có những quan điểm và các bước thực hiện thú vị khác, hãy chia sẻ với mình nhé!

IMAGE: @FENDI


6. THIẾT KẾ RẬP

Sau khi đã hoàn thành các công đoạn về thiết kế và xây dựng hình ảnh cho một BST hoàn chỉnh, điều tiếp theo mà các nhà thiết kế cần cân nhắc đó là làm sao để hiện thực hoá BST của mình. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào quá trình thiết kế rập 2D và 3D.

IMAGE: @PAULEKA

Vậy rập là gì? Hiểu một cách đơn giản thì rập 2D là hình vẽ trải phẳng của thiết kế và cũng là khuôn mẫu cho sản phẩm đó. Chúng được vẽ và cắt trên bìa/giấy theo hình dáng, chi tiết có trên thiết kế. Những tấm rập sau đó được đặt lên vải cắt ra và may theo các đường may với kích thước đã định sẵn (seam allowance). Nếu rập của bạn không chính xác, thiết kế may lên cũng không chuẩn và dễ sai lệch về tỉ lệ. Tuy nhiên, không phải quy trình thiết kế của ai cũng giống nhau. Có những sinh viên quen làm việc cùng rập 3D bởi tính hiện đại và sáng tạo của nó. Đối với rập 3D, bạn sẽ trực tiếp thử nghiệm thiết kế của mình bằng vải trên mannequin, nó còn có tên gọi là Fashion Draping. Quá trình lên rập còn giúp bạn có thêm ý tưởng cho những sự điều chỉnh cần thiết về BST cũng như các nguyên vật liệu chính thức.


7. DỰNG MẪU MỘC

Khi rập của BST đã sẵn sàng, việc dựng thử thiết kế trên một chất liệu thô hoặc gần giống với vải chính là điều quan trọng cho quá trình chỉnh sửa lần cuối. Nguyên liệu thường được sử dụng để làm mẫu mộc chính là vải mộc. Có một lưu ý nhỏ cho các bạn về giá thành vải mộc, đó là loại vải này thường có mức giá tương đối thấp (trung bình 17.000 - 36.000 VNĐ). Nếu bạn gặp ai đó báo mức giá 80.000 VNĐ (trường hợp này từng có thật) thì hãy đổi chỗ mua nhé!

IMAGE: @1GRANARY

Khi may mẫu mộc, bạn thực hiện quy trình giống với việc may mẫu thật. Đây là một cách để thử nghiệm xem rập của bạn đã chính xác hay chưa, có cần điều chỉnh gì về chất liệu dự kiến hay không. Thông thường, nếu mẫu mộc khi may lên chưa được như bạn mong muốn, điều này có thể xuất phát từ rập hoặc cách may, nhiều khi là cả hai. Từ đó, những thay đổi về rập, chất liệu và cách xử lý được hình thành.


8. CHUẨN BỊ NGUYÊN VẬT LIỆU

Ở thời điểm này, bạn đã có những định hướng rõ ràng về chất liệu và các phụ kiện cần sử dụng cho BST của mình. Điều cần làm khi ấy là bắt tay vào tìm kiếm những nguyên liệu đó và quá trình này không phải lúc nào cũng dễ dàng.

IMAGE: @PAULEKA

Đối với những thiết kế không quá cầu kỳ về chất liệu hoặc sử dụng những chất liệu phổ biến, thông thường sẽ chỉ mất 2-3 tiếng để đi lựa ở chợ vải. Thậm chí, mình từng chỉ mất khoảng 30 phút - 1 tiếng trong chợ vải nếu mình đã định hình rõ ý tưởng của bản thân. Tuy nhiên, quá trình kiếm nguyên liệu có thể mất đến vài ngày hoặc cả tuần nếu bạn phải sắp xếp thời gian để đi những nơi xa hơn như chợ vải Ninh Hiệp hoặc chuẩn bị những kỹ thuật xử lý cầu kỳ, thủ công cho chất liệu. Đặc biệt, nếu BST/đồ án của bạn cần đầu tư cho cả phụ kiện và phải liên hệ một số xưởng gia công nhất định, quá trình này có thể lên đến vài tháng tuỳ vào số lượng và mức độ kỳ công.









9. MAY MẪU CHÍNH THỨC

IMAGE: @CANVA

Không biết đối với các bạn sinh viên khác thế nào, nhưng đối với mình, đây là công đoạn mang lại nhiều sự lo lắng nhất. Bởi khi đó, mình đang may trên chất liệu thật và cần hạn chế sai sót hết sức có thể. Đặc biệt, khi chất liệu bạn sử dụng có tính chất “hiếm có khó tìm”, quá trình cắt vải và may càng cần nhiều sự cẩn trọng hơn.


Trong quá trình may vào chất liệu chính, bạn cần chú ý đến các yếu tố như độ rộng đường may, kích cỡ kim khâu, và các loại phụ kiện khác của máy may cũng như các thao tác may sao cho phù hợp. Đối với sản phẩm có chi tiết kết cấu phức tạp hoặc có chất liệu đặc biệt như vải mỏng, chảy, vải co giãn hoặc dễ xô lệch…thì nên thay kim và chân vịt máy may. Nếu trang phục của bạn có lớp lót, ta cũng cần chút ý đến cách may lộn để giấu được chỉ thừa và đường may vào trong. Có những công đoạn khi may thực sẽ tương đối khác so với quá trình dựng mộc, chính vì vậy ta nên chọn những chất liệu tương đồng và sát với vải thực nhất có thể khi làm mẫu mộc.



10. CHỤP ẢNH BST

@IMAGE: @MARCJACOBS


Cuối cùng, sau một hành trình vất vả với các công đoạn của thiết kế và may mẫu, điều ta mong chờ nhất hẳn là một bộ hình đẹp ghi lại tác phẩm nghệ thuật của mình. Một bộ ảnh thời trang không chỉ là phương tiện bạn lưu giữ hình ảnh các thiết kế, nó còn là nguyên liệu để bạn đưa vào portfolio chứng tỏ năng lực sáng tạo của mình trong các công việc sau này. Để lên ý tưởng chụp hình, hãy lựa chọn concept chụp dựa trên cảm hứng của BST. Tất cả những điều bạn cần cân nhắc bao gồm địa điểm (outdoor/indoor), ánh sáng, phông nền, phụ kiện, ekip thực hiện (photographer/makeup artist/model…). Bạn nên lên kế hoạch cho bộ hình trước 2-3 tuần để đảm bảo tiến độ chuẩn bị và sắp xếp các công việc trước đó. Tuy nhiên, quá trình này hoàn toàn có thể diễn ra nhanh hơn (dưới 1 tuần cả quay/chụp và thậm chí là 2-3 ngày) nếu bối cảnh dàn dựng không quá cầu kỳ. Không ít những bộ đồ án chỉ dùng phông trơn nhưng thành quả vẫn rất chất lượng và hợp thị giác. Điều quan trọng là bạn cần biết một bộ hình thế nào sẽ phù hợp với BST của mình và người chụp cũng ảnh hưởng đến phong cách bộ hình rất nhiều.

275 lượt xem0 bình luận
bottom of page