top of page
  • Ảnh của tác giảVyy Bui

5 SỰ THẬT THÚ VỊ VỀ SINH VIÊN THỜI TRANG

Mỗi khi nhắc đến sinh viên Thời Trang, các bạn thường dùng tính từ nào để miêu tả họ? “Ngầu”, “cá tính”, “chất nghệ”, hay chỉ đơn giản là “Wow”? Thông thường, mọi người sẽ thấy chúng mình khá “khó gần” bên ngoài vì nhiều lý do, nhưng thực chất, chúng mình cũng có rất nhiều góc khuất thú vị mà có thể bạn chưa biết!


Bài viết này sẽ giúp mọi người hiểu hơn về sinh viên Thời Trang và có thể nhiều bạn sẽ thấy bản thân mình trong đó. Mình cũng mong các bạn có ý định theo đuổi Thời Trang cũng sẽ có thêm nhiều góc nhìn mới!

IMAGE: @COMPLEX

1. “NGOÀI LẠNH, TRONG NÓNG”

Theo trải nghiệm cá nhân, ấn tượng đầu tiên của mọi người nếu chỉ nhìn mà không tiếp xúc trực tiếp với các bạn sinh viên Thời Trang, họ sẽ cảm thấy có một khoảng cách nhất định. Họ có thể trầm trồ, thích thú với phong cách, thần thái hay các tác phẩm của chúng mình nhưng để có ý định làm quen, kết thân thì chưa hẳn. Đặc biệt, đối với tuýp sinh viên Thời Trang cá tính với trang phục Dark-wear, tông trang điểm tối màu và thần thái sắc lạnh, họ có thể tạo cảm giác khó gần với người ngoài. Bản thân mình và một số người bạn thân là sinh viên Thời Trang nhưng nếu chỉ đi qua các bạn đó thôi chúng mình cũng từng có cảm giác như vậy. Nhưng phải tiếp xúc mới biết phải không các bạn? Thực ra họ cũng hài hước, thân thiện và dễ gần lắm!

IMAGE: @FATIMA

Thậm chí, có những em nhỏ hơn từng không dám bắt chuyện với mình vì “nhìn bên ngoài sợ”, hoặc có người lần đầu nói chuyện với mình sẽ ngạc nhiên vì mình cởi mở và thoải mái hơn họ từng nghĩ nhiều! Những người bạn cùng lớp, cùng ngành với mình cũng từng có trải nghiệm tương tự. Đôi khi, mình cảm giác sinh viên ngành nghệ thuật nói chung và Thời Trang nói riêng như một thế giới khác trong con mắt của nhiều người. Nhưng bạn biết không, có những điều tưởng vậy mà không phải vậy. Có những lúc, cảm xúc của chúng mình cũng dữ dội như các bạn vậy, nhạy cảm cũng có thừa, không “lạnh lùng”, “bất cần” như vẻ ngoài đâu. Có những bạn/em tiếp xúc với chúng mình hay sợ bị chúng mình “đánh giá”, nhưng thực chất chúng mình vô tư lắm, không nghĩ gì cả!


Thực tế, có những bạn sinh viên có vẻ ngoài toát ra khí chất mạnh mẽ, quyền lực nhưng tâm hồn lại mong manh, dễ tổn thương vô cùng, mình đã có người bạn như vậy. Nếu không nói ra, có lẽ chúng ta cũng không biết có những người như vậy. Hình ảnh và phong cách mà họ thể hiện trên mạng đôi khi cũng chưa chắc là con người ẩn sâu bên trong. Chúng mình, cũng như bao người khác, nhiều tâm sự, nhiều trăn trở, thậm chí mang nhiều nỗi bất an hơn người bình thường. Chúng mình cũng có những “điểm chạm” cảm xúc rất mạnh.


2. KHÔNG PHẢI CỨ HỌC THỜI TRANG LÀ “GIÀU”


Điều này không đúng với tất cả mọi người, nhưng ngày nay vẫn xuất hiện nhiều định kiến cho rằng phải “giàu” mới có thể theo học Thời Trang. Rất nhiều sinh viên Thời Trang đủ khả năng chi trả cho ngôi trường mơ ước vì họ nỗ lực để có học bổng. Thậm chí, các bạn chia sẻ với mình rằng, nếu không có học bổng, có lẽ giờ này họ đã ở một nơi khác. Có những người bạn của mình trong 1 năm học gặp mâu thuẫn với gia đình rất nhiều về vấn đề tài chính. Bản thân các bạn ấy cũng cần tự tiết kiệm rất nhiều, sinh hoạt chừng mực chỉ để chi trả cho đồ án thiết kế. Ngoài ra, không phải tất cả các dự án Thời Trang ở trường đều đắt đỏ như mọi người nghĩ. Có rất nhiều cách để chúng mình có thể dàn dựng studio, kiếm tìm nguồn nguyên liệu mà không hề tốn kém. Thầy giáo cũ của mình còn từng tạo điều kiện cho học sinh đến mức đồng ý cho chụp đồ án bằng điện thoại. Thầy từng nói một câu mình rất nhớ “Expensive or not depends on you and your creativity”. Không chỉ thế, một chị cựu sinh viên LCDF từng chia sẻ với mình rằng toàn bộ đồ án tốt nghiệp chị tự may, tự thực hiện từ đầu đến cuối và chỉ ngủ 2 tiếng mỗi ngày trong suốt nửa năm nên không tốn chi phí gia công. Mình đã xem qua và nó thực sự rất đẹp!


IMAGE: @L'OFFICIEL

Nếu du học Thời Trang ở nước ngoài cũng vậy, có thể bạn nghĩ họ “giàu”, họ có điều kiện và sung sướng theo học ngành mình mơ ước nhưng liệu bạn có biết họ đã trải qua những gì để duy trì được chi phí học và sinh hoạt hay không?


Không chỉ là chuyện học Thời Trang, sếp mình từng khởi nghiệp mở thương hiệu Thời Trang chỉ với đúng 15.000.000 VNĐ nhưng bây giờ đã có vị trí nhất định ở phân khúc cận xa xỉ tại Việt Nam. Vậy điều quan trọng là anh đã làm cách nào?


Đúng là bạn cần có một khả năng chi trả nhất định cho việc theo ngành Thời Trang, nhưng không phải ai trong ngành này cũng “khá giả”, cũng “giàu”. Nếu nhìn sâu hơn, họ đã đánh đổi rất nhiều để có được ngày hôm nay và có những trường hợp chi phí học Thời Trang cũng chỉ ngang bằng hoặc ít hơn các ngành khác nếu bản thân người đó biết sắp xếp hợp lý.






3. SINH VIÊN THỜI TRANG KHÔNG PHẢI LÚC NÀO CŨNG “THỜI TRANG”


IMAGE: @CANVA

Tạm quên đi những hình ảnh chúng mình “lên đồ” với những outfit chỉn chu, ấn tượng mà mọi người thường thấy, có những khoảng thời gian chúng mình thực sự chỉ “lấy đại” những món đồ trong tủ để đi học. Với sự dày đặc của deadline và những đêm không ngủ, ngày hôm sau lên trường chúng mình đã không còn sức để “ăn diện”. Mình không đếm được số ngày mình để mặt mộc đi học nữa, quần jeans, dép crocs…Hình ảnh lúc đó của mình và nhóm bạn gần như trái ngược hoàn toàn với cách mà mọi người thường thấy hoặc nhớ về chúng mình. Cũng có những lúc chúng mình không quá chú ý vào diện mạo cá nhân như mọi người nghĩ. Đặc biệt, thời điểm may và làm rập cho đồ án là quãng thời gian chúng mình có phong cách ăn mặc “cho qua ngày” nhất. Tuy nhiên, với những ngày có tâm trạng tốt, chúng mình vẫn cố gắng chỉn chu về ngoại hình hết sức có thể. Chỉ là, sinh viên Thời Trang không phải lúc nào nhìn cũng ‘thời trang’! Ngoài những lúc ăn diện “đậm chất sinh viên thời trang”, ở một hoàn cảnh khác, nếu mọi người nhìn chúng mình, chắc chẳng nhận ra chúng mình là ai hoặc đang đi đâu luôn!


4. TỪ SINH VIÊN THỜI TRANG ĐẾN “THỢ SỬA” MÁY MÓC


Mình nghĩ một trong những trải nghiệm vừa thú vị vừa đáng sợ của đời sinh viên Thời Trang đó là phải tự sửa chữa quá nhiều máy móc, dụng cụ hành nghề. Nếu bạn nghĩ máy khâu hỏng chỉ cần gọi thợ là xong thì không đúng đâu! Đôi lúc, sinh viên tự tìm cách xử lý sẽ nhanh hơn việc gọi thợ, đặc biệt vào những đêm chạy đồ án mà sáng hôm sau là hạn nộp. Mình sẽ không quên cái cảm giác bất lực, ấm ức và lo lắng đến tột cùng khi còn quá nhiều công đoạn phải may nhưng máy khâu không hoạt động và tìm mãi không ra vấn đề. Vậy mà mình đã “sống sót” đến năm 2 mà chưa cần gọi thợ một lần nào. Hầu hết các sự cố kỹ thuật mình đều tự mày mò hoặc nhờ bạn cùng lớp giúp. Ngoài ra, mình còn tự sửa máy in khá nhiều lần bằng cách tự mò theo cảm tính, đọc hướng dẫn trên mạng hoặc xem Youtube…Thiếu máy in, mình sẽ không thể học được cả Fashion Design lẫn Fashion Marketing. Bên cạnh đó là 1001 câu chuyện khác về các dụng cụ như bàn là hơi, suốt máy may, mannequin, rập 2D, 3D…

IMAGE: @SEWINGPOINT

5. ĐOÀN KẾT & LUÔN HỖ TRỢ LẪN NHAU

IMAGE: @FACE TO FACE

Không thể phủ nhận rằng thế giới Thời Trang luôn tồn tại những cạnh tranh và sự khắc nghiệt nhất định, nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta không gặp được những người bạn/đồng nghiệp tuyệt vời như gia đình!


Điều mình thấy may mắn hơn cả, đó là sự xuất hiện của những người bạn thân đã gắn bó với mình suốt từ ngày đầu đến giờ. Từ khi còn dùng chung nhau chiếc máy may, sử dụng vải thừa của nhau để hoàn thiện đồ án, sẵn sàng cùng nhau đi lấy đồ giữa trời mưa bão lạnh, hỗ trợ nhau trong quá trình dựng mẫu, thức đêm cùng làm bài nhóm, tổ chức event…Không chỉ vậy, mình có những người bạn luôn sẵn sàng đứng ra bảo vệ mình dù có bất kì chuyện gì xảy ra. Họ cho mình cảm giác an toàn, dù cả thế giới có quay lưng với mình thì họ vẫn sẽ ở đó. Tất cả sự sẻ chia ấy mới chính là nguồn động lực lớn lao để mình tiếp tục cố gắng mỗi ngày. Thực lòng mà nói, cả lớp Fashion Design và lớp Fashion Marketing, mình đều gặp được những con người rất tuyệt vời!






14 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page