top of page
  • Ảnh của tác giảVyy Bui

5 BƯỚC ĐỂ XÂY DỰNG PORTFOLIO THỜI TRANG

Đã cập nhật: 18 thg 11, 2021

Dưới đây mình đính kèm link PDF các portfolio boards hoàn chỉnh, là bài tập của mình ở kỳ học thứ II tại LCDF! Mọi người có thể tham khảo để có cái nhìn rõ hơn về cách xây dựng một portfolio nhé!

portfoliofinal
.pdf
Download PDF • 11.68MB

Là một người đam mê thời trang và có ý định theo đuổi thời trang một cách nghiêm túc, chắc hẳn việc xây dựng một portfolio là điều không thể thiếu trên hành trình của bạn. Portfolio, hay còn được biết đến như hồ sơ nghệ thuật, là sự tập hợp tất cả những tác phẩm nghệ thuật và trải nghiệm về thời trang của bạn xuyên suốt một quãng thời gian nào đó. Với một portfolio đủ mạnh, bạn sẽ có thêm cơ hội được nhận vào các trường thời trang danh tiếng, cũng như thuận lợi cho quá trình tìm kiếm việc làm trong ngành thời trang.


Thời gian qua, có rất nhiều bạn đã gửi đến The Fashion Alley những thắc mắc về portfolio thời trang. Bản thân mình cũng chưa phải là một cá nhân có portfolio thời trang xuất sắc, nhưng mình sẽ chia sẻ cho mọi người những điều mình học được từ trải nghiệm cá nhân sau một thời gian dài gắn bó với ngành thời trang.


Nếu cảm thấy hợp lý, bạn có thể áp dụng những cách dưới đây vào portfolio của mình. Mỗi cá nhân mang một màu sắc và trải nghiệm khác nhau nên mình tin các bạn sẽ biết bản thân cần làm gì, ý kiến của mình chỉ là sự tham khảo cho các bạn. Chúc mọi người may mắn!


Bước 1: Tập hợp và chọn lọc


Một trong những điều đầu tiên mình làm trước khi xây dựng portfolio đó là chuẩn bị nguồn ‘nguyên liệu' sẵn có và xác định phương hướng nghệ thuật cho hồ sơ của mình. Mình tìm lại và tập hợp tất cả những bản vẽ tay, bản thiết kế vào một file và liệt kê lại những dự án, sự kiện thời trang mình từng tham gia hồi cấp 3. Từng rất yêu thích diễn hoạ nên mình vẽ khá nhiều, nhưng chúng ta không thể mang hết những bức hoạ đó vào portfolio, mà chỉ nên chọn lọc những tác phẩm đặc sắc nhất, hoặc những bản vẽ mà bạn thực sự tâm đắc. Ngay cả những hoạt động ngoại khoá cũng vậy, bạn có thể đưa vào những trải nghiệm không liên quan đến thời trang nhưng hãy hạn chế điều này. Tất cả kinh nghiệm của bạn nên thuộc về lĩnh vực thời trang, nếu bạn mạnh ở mảng này, bạn có thể đưa thêm không quá 3 hoạt động ở lĩnh vực khác. Họ sẽ thấy được sự linh hoạt của bạn, đồng thời không khiến portfolio bị chệch hướng. Còn nếu bạn chưa có trải nghiệm nào với các dự án thời trang, bạn có thể tự lên kế hoạch 3-4 dự án cá nhân (photoshoot, video, styling...) để bổ sung vào portfolio của mình. Những bạn chưa thực sự ưng những bản vẽ của mình cũng có thể dành một khoảng thời gian để cải thiện kỹ năng này cho portfolio. Quá trình tập hợp và chọn lọc như trên giúp bạn định hình rõ hơn về năng lực của bản thân và đặt mục tiêu hoàn thiện những điều còn thiếu sót

IMAGE: @JASMINEBFASHIONDESIGN


Bước 2: Hãy đồng nhất và có câu chuyện

Sau khi đã có một cái nhìn tổng quan về nguồn tài nguyên của mình, bạn cần xem điểm tương đồng giữa những tác phẩm đó để chọn một mood, concept hoặc layout xuyên suốt cho portfolio của mình. Nếu các bộ sưu tập của bạn mang nhiều chủ đề khác nhau, bạn vẫn nên hướng chúng đến một giá trị chung, một mục đích nào đó đến cuối.


IMAGE: @JASMINEBFASHIONDESIGN


Sự sáng tạo đó, sự đa màu sắc đó sẽ mang đến điều gì cho thế giới thời trang? Portfolio của bạn có một tầm nhìn rộng, một sứ mệnh đặc biệt, ắt hẳn sẽ gây ấn tượng và được đánh giá cao hơn. Có thể hiểu, đó là storyline trong ngôn ngữ thời trang. Cũng như việc xây dựng một thương hiệu cá nhân, yếu tố branding và brand mission luôn được đặt lên hàng đầu và bạn cần thể hiện giá trị của mình một cách rõ ràng. Làm portfolio cũng giống cách bạn branding cho bản thân mình trước mặt các nhà tuyển dụng. Điều này được thể hiện qua layout, phong cách graphic bạn sử dụng cho portfolio hoặc một vài dòng diễn giải ở đầu trang. Hãy sử dụng template tương đồng giữa các trang và có sự kết nối về màu sắc. Nếu nội dung và hình thức của bạn rời rạc, họ sẽ không hiểu được những dụng ý mà bạn muốn truyền tải dù nó có hay và hấp dẫn đến chừng nào.


IMAGE: @CUONGDAMTIEN


Bước 3: Phân chia hạng mục.

Xây dựng portfolio cũng giống như việc ta gửi đi một bản thuyết trình, cần có nội dung và hạng mục rõ ràng. Bạn nên làm một trang “table of contents" và hãy khiến cho họ ấn tượng ngay từ khi nhìn vào trang đó. Đây là một trong những bước quan trọng nhất đối với một portfolio thời trang, theo trải nghiệm cá nhân của mình, nó là chìa khoá. Bạn nghĩ sao nếu ta thử tìm cách đa dạng hoá kỹ năng của bản thân trong lĩnh vực thời trang? Portfolio của mình có 4 hạng mục chính:

- Fashion design (bao gồm fashion illustrations là các bản vẽ và hình ảnh những bộ trang phục do mình thiết kế mà đã lên mẫu thực).

- Creative direction (những bộ ảnh thời trang mình tham gia với tư cách là designer hoặc những dự án cá nhân với tư cách creative director).

- Fashion management (những sự kiện thời trang mà mình tham gia tổ chức, quản lý như show diễn).

- Fashion research (những trang phác thảo và nghiên cứu cá nhân về thời trang các thập niên hay các phong cách khác nhau).

IMAGE: @CUONGDAMTIEN


Để xây dựng những hạng mục như trên, bản thân mình đã mất rất nhiều thời gian và công sức để tìm kiếm sự trải nghiệm trong ngành thời trang từ khi còn rất sớm. Cho dù bạn có nhiều trải nghiệm với lĩnh vực này hay không, mình nghĩ bạn vẫn nên tìm cách để phân bổ đa dạng chuyên môn và kinh nghiệm của mình trong portfolio bởi các nhà tuyển dụng luôn ấn tượng với những cá nhân có sự năng động, linh hoạt và tinh thần cầu tiến. Nếu bạn apply vào chuyên ngành nào thì hạng mục của chuyên ngành đó sẽ cần được ưu tiên hơn, chỉ là bạn có thể lựa chọn không bó gọn bản thân trong một khía cạnh duy nhất của thời trang.


Bước 4: Lên bố cục hình ảnh và chất liệu thiết kế.


Sau khi đã định hình được câu chuyện, phương hướng nghệ thuật và các khía cạnh bạn cần thể hiện, đây là lúc bạn thực sự bước vào việc hiện thực hoá chúng trong portfolio của mình. Ngoài những hình ảnh diễn hoạ thời trang, bạn cần đưa vào cả quá trình hình thành và phát triển ý tưởng của mình để nhà tuyển dụng có thể nhìn thấy được tư duy sáng tạo của bạn.

IMAGE: @CUONGDAMTIEN


Bạn có thể đưa vào các hình ảnh cảm hứng từ chủ đề của bộ sưu tập, hay những hình ảnh mô tả chất liệu, cách xử lý bề mặt vải. Thú vị hơn nữa, bạn có thể sử dụng cách thức làm collage (ghép các hình ảnh/nguyên liệu khác nhau thành một tác phẩm mới) để tăng yếu tố phong phú về mặt trực quan cho portfolio của mình. Đúng vậy, một chiếc portfolio cuốn hút sẽ luôn bao gồm nhiều phương tiện, cách thức thể hiện và chất liệu khác nhau (multimedia). Về bố cục, hãy chú ý đến yếu tố xa gần, chính và phụ. Đối với thiết kế thời trang, những trang sketch đầy ắp hình ảnh và nét vẽ đôi khi rất truyền cảm hứng, nhưng đừng quên để lại những khoảng trắng trong portfolio boards của mình. Đó là điểm nghỉ cho thị giác của người xem, đồng thời tạo yếu tố cân bằng cho tổng quan trang portfolio của bạn. Hãy đảm bảo những hình ảnh bạn sử dụng là những hình ảnh mạnh nhất và phải có sự liên kết với nhau về đường nét, cấu trúc. Đừng ngần ngại thể hiện cá tính, bạn không cần thể hiện những hình ảnh bạn nghĩ họ muốn xem, hãy đưa ra những hình ảnh bạn muốn họ nhìn thấy. Các trường thiết kế luôn mong đợi nhìn thấy tính cá nhân hoá và niềm đam mê, nhiệt huyết của bạn trong từng tác phẩm.


Bước 5: Trau chuốt về nội dung và ngôn từ.


Bên cạnh yếu tố hình ảnh, những từ ngữ như keywords, hay các đoạn diễn giải trang phục và ý niệm thiết kế cũng rất quan trọng đối với một portfolio thời trang. Khi lựa chọn ngôn từ chú thích (annotation), hãy cố gắng chọn những từ ngữ đắt giá và nêu bật được lên ý tưởng của bạn, làm sao để người xem có thể hiểu được concept, mood của bộ sưu tập đó ngay tức thì. Đối với những đoạn mô tả ý tưởng, bạn không nên viết lan man, dài dòng bởi ngôn ngữ tuyệt vời nhất để thể hiện tính thời trang trong portfolio chính là cách bạn sử dụng hình ảnh.

IMAGE: @NAOMI PUGH


Những portfolio thành công là những portfolio có thể truyền đạt thông điệp đến người xem mà không cần sử dụng quá nhiều chú giải. Khi viết mô tả cho từng trang portfolio, hãy chọn những ý chính và nổi bật nhất như cảm hứng chủ đạo và cách lên mẫu. Phông chữ ở các trang cần đồng đều và nếu bạn không thể lý giải một chi tiết nào đó trong portfolio của mình thì không nên đưa hình ảnh đó vào, tránh việc chú thích không tương đồng với nội dung hình ảnh.

@IMAGE: NAOMI PUGH

















1.300 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page