top of page
  • Ảnh của tác giảVyy Bui

TÂM LÝ PHỔ BIẾN CỦA SINH VIÊN THIẾT KẾ THỜI TRANG (P2)

Qua bài viết lần trước, có lẽ mọi người đã hiểu phần nào thế giới nội tâm của những sinh viên thiết kế thời trang. Thực tế, những điều mà họ trải qua còn nhiều hơn vậy nữa. Đam mê thiết kế thời trang, liệu bạn có sẵn lòng đón nhận tất cả những điều này? Ngày hôm nay, chúng mình hãy cùng khám phá và tìm ra câu trả lời nhé!



7. Art block - bí ý tưởng sáng tạo & thiết kế.


Đây là một trong những điều dù khiến hầu hết sinh viên thiết kế đều lo sợ, nhưng ai cũng từng trải qua. Ngay cả những nhà thiết kế nổi tiếng, hay những người có thế mạnh về vẽ diễn hoạ, sẽ có những lúc mỗi người cảm thấy mình thực sự chẳng nghĩ ra điều gì mới mẻ. Đó là khi bạn bất chợt mất đi cảm hứng sáng tạo, dù vẽ bao nhiêu cũng chẳng ưng ý và nguyên nhân có thể đến từ nhiều phía.



Bí ý tưởng có thể xuất phát từ việc bạn chưa nghiên cứu đủ sâu cho concept của mình, chính vì vậy bạn không có đủ nguyên liệu sáng tạo. Nguyên do thứ 2 có thể xuất phát khi bạn làm việc quá tải và dồn quá nhiều áp lực trong một thời điểm, não bộ của bạn sẽ không còn khoảng trống để sáng tạo nên những điều thú vị, mới mẻ. Tiếp đó, bạn bí ý tưởng vì tâm lý tự ti, hoài nghi bản thân quá nhiều nên không dám bứt phá để tìm lối đi riêng. Hễ nghĩ đến một ý tưởng nào đó, bạn lại gạt đi vì sợ rằng nó không hay, không ấn tượng. Biết đâu đó là một ý tưởng độc đáo mà bạn không hề nhận ra?


Đừng quá lo lắng hay trở nên tiêu cực, không phải bạn không có khả năng, chỉ là bản thân mỗi người đều cần một khoảng nghỉ để có thể trở nên năng suất hơn. Khi gặp art block, điều bạn cần làm là hãy nghỉ ngơi và đừng cố gượng ép bản thân phải nghĩ ra điều gì ngay tại lúc đó. Khi tâm trí bạn thoải mái hơn, bạn có thể tiếp tục nghiên cứu về chủ đề mình đang làm. Bạn cũng có thể đi đọc sách, xem phim về thời trang hay các show diễn thời trang để lấy thêm cảm hứng.


8. Cảm giác bất lực khi may hỏng.


Theo sự quan sát của mình, đa số sinh viên thiết kế thời trang đều gặp rất nhiều trở ngại với môn rập, may. Ngoại trừ những bạn có khả năng tốt và yêu thích các kỹ thuật này, hầu hết chúng mình đều cảm thấy vô cùng khó khăn. Mình vẫn nhớ như in quãng thời gian mới tập may, mình đã tháo chỉ may lại nhiều đến mức từng bật khóc vào buổi đêm. Mình từng thấy tự ti về bản thân rất nhiều, hoài nghi về sự khéo léo của bản thân, khó chịu vì thành quả làm ra chẳng được như bản vẽ. Thực ra đến giờ mình vẫn chưa hết cảm giác này đâu! Vì bản thân mình không có lợi thế về may nên có lẽ qua thời gian mình mới dần cải thiện được tâm lý này. Lệch đường chỉ, xước vải, nhấn máy quá tay, không quen chất liệu...Tất cả đều lấy đi rất nhiều sự kiên nhẫn và công sức của sinh viên thiết kế.



Khi may hỏng, có thể bạn sẽ một hay nhiều đêm để làm lại. Ngay cả những chi tiết rất nhỏ trên trang phục cũng tốn rất nhiều thời gian, nhất là khi bạn chưa thành thạo. Đặc biệt, đối với những thiết kế có nhiều layers, đôi khi bạn may đẹp từng phần nhưng ghi ghép tổng thể chúng lại không được như mong đợi. Đó cũng là lúc bạn cần sửa và may lại một vài chi tiết. Đôi khi, nhiều bạn sẽ chuyển sang khâu tay khi may mãi không được và điều này càng chiếm thêm quỹ thời gian rất lớn, chưa kể với những thiết kế khó, bạn có thể bị chảy máu khi khâu không cẩn thận. Nhà thiết kế Phan Đăng Hoàng từng nói, anh đã mất mồ hôi, nước mắt và máu để hoàn thiện bộ sưu tập của mình tại Milan, Ý.


Chúng mình lựa chọn con đường thiết kế đồng nghĩa với việc chấp nhận tất cả những điều này. Cách duy nhất để cải thiện khả năng may mặc đó là hãy may thật nhiều, tự thử nghiệm trên vải và cố gắng kiềm chế những cảm xúc tiêu cực. Điều này mình đã từng lý giải ở bài viết “5 điều cần tránh khi học thiết kế thời trang", mình biết sẽ khó, nhưng hãy tập cách không than vãn, suy nghĩ tiêu cực trong quá trình may đồ. Sai thì sửa, hãy cứ làm, làm và làm đến khi mọi thứ được cải thiện.


IMAGE: @VOGUE

9. Khó khăn trong tư duy về rập 2D.

Làm rập là một trong những bước vô cùng quan trọng và là yếu tố quyết định trang phục của bạn có trên thực tế có thể đúng như bản vẽ hay không. Khi ấy, tất cả các thiết kế của bạn sẽ được trải phẳng và thể hiện dưới dạng 2D. Bởi không thể trực tiếp tạo khối từ vải như rập 3D, nó khiến cho sinh viên gặp khó khăn trong việc tưởng tượng ra chính bản thiết kế của mình. Có rất nhiều chi tiết bạn vẽ ra, khi lên rập 2D trông chúng sẽ hoàn toàn khác.


Để vẽ được đúng rập cho thiết kế của mình, bạn cần nắm rất rõ về cấu trúc và kỹ thuật xử lý bộ trang phục đó. Điều này càng trở nên khó nhằn đối với những bạn sinh viên năm nhất, năm hai hay những bạn chưa có nhiều trải nghiệm với sản xuất. Với rập 2D, bạn cần sự chính xác trên từng cm, chỉ cần vẽ lệch, tỉ lệ trang phục khi may ra sẽ không còn chuẩn xác khi mặc lên người. Đặc biệt, rất nhiều bạn căn sai đường hạ eo, chiết ly, hạ ngực…


Bản thân mình cũng từng vẽ sai rập rất nhiều và hiện mình vẫn đang cố gắng khắc phục. Tuy nhiên, các bạn có thể đi học thêm những khoá ngắn hạn về rập nếu cần. Mỗi người có những thế mạnh khác nhau trong các mảng khác nhau ở lĩnh vực thời trang nên đừng quá tự ti về bản thân nhé! Khi biết rằng khả năng của bản thân bị hạn chế ở một góc độ nào đó, hãy tìm cách phát huy ở những khía cạnh còn lại.


10. Đấu tranh tâm lý khi chọn nguyên phụ liệu.


Mình vẫn nhớ như in lần đầu tiên vào chợ vải, đó là năm lớp 10, thực sự mình bị choáng ngợp và đã lạc đường trong những lần đi kế tiếp. Mình cảm giác chợ Hôm như chiếc mê cung, thời gian đầu mình lựa vải khá lâu, nhưng về sau mọi thứ diễn ra nhanh hơn rất nhiều khi đã thành thạo. Đã bao giờ bạn cảm thấy khó khăn trong việc chọn vải chưa? Trước khi đi, mình luôn định hình trước về loại vải cần sử dụng. Nhưng trước sự lựa chọn của vô vàn chất liệu và màu sắc, đôi lúc mình lại bị lay động ngoài dự định.



Có những khi mình đã lựa được chất liệu ưng ý, nhưng tâm trí lại nghĩ nhỡ đâu mình cứ đi tiếp sẽ tìm được chất liệu còn ưng hơn nữa? Vốn là một người tiểu tiết, mình cũng thường mất thời gian vào việc đối sánh các màu sắc một cách kỹ lưỡng, chỉ cần lệch tông một chút mình cũng chẳng hề muốn mua. Ngoài ra, chất liệu đó mỏng hay dày hơn một chút so với dự kiến, mình cũng không ưng ý. Đối với những phụ kiện như cúc áo, khoá kéo, đồ đính kết, cảm giác phân vân đôi khi lên đến đỉnh điểm khi một người bạn của mình từng mất cả chiều để lựa và vẫn quyết định mua lại cái khác vì không còn ưng thứ đã mua nữa.


Sự phân vân có thể đến từ việc bạn chưa hiểu rõ thiết kế của mình, nhưng cũng có thể xuất phát từ sự cầu toàn của bạn. Dù với lý do nào, cảm giác này cũng khiến các bạn sinh viên thiết kế mất khá nhiều thời gian khi đi lựa vải, nguyên phụ liệu.



11. Học cách tiết chế chi tiết.


Điều này thoáng qua tưởng chừng mâu thuẫn với triết lý thỏa sức sáng tạo của lĩnh vực thiết kế. Đúng là khi thiết kế, chúng ta cần bay bổng, vượt khỏi giới hạn bản thân và đi đến tận cùng của sức sáng tạo. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc tạo ra những mẫu thiết kế phi thực tế. Đối với sinh viên năm nhất, năm 2, hay các bạn mới làm quen với thời trang, thường phóng tay thoả thích với những ý tưởng trong đầu mình. Sau này, càng gần quãng thời gian tốt nghiệp, sẽ có những môn học khiến chúng ta ý thức được rõ hơn về thị trường, kinh doanh thời trang hay được va chạm với những tiêu chí cụ thể cho đồ án tốt nghiệp. Tính ứng dụng là một trong những tiêu chí đó.



Ở một khía cạnh nào đó, chúng ta cần tiết chế và lược bỏ dần những chi tiết rườm rà trong bản vẽ để thiết kế cuối cùng có thể trở nên sắc nét nhất. Khi mới học và tìm hiểu về thời trang, hãy cứ là chính mình, hãy khai phá thật nhiều. Nhưng dần dần, trong từng thiết kế cũng cần có sự tính toán nhất định dù nhiều dù ít. Có như vậy, bạn sẽ hạn chế khả năng bị ngợp sau khi ra trường. Theo trải nghiệm cá nhân từ công việc part-time, thiết kế cho brand hay việc tự mở brand sẽ rất khác với việc thiết kế tại trường, thậm chí là khác hoàn toàn. Từ bây giờ, chúng ta hãy cùng nhau nhận thức điều này để có một nền tảng vững chắc hơn cho tương lai nhé!


Còn những sự thật nào về tâm lý của sinh viên thiết kế thời trang mà mình bỏ lỡ không? Các bạn hãy chia sẻ thêm với mình nhé!





88 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page