top of page
  • Ảnh của tác giảVyy Bui

TÂM LÝ PHỔ BIẾN CỦA SINH VIÊN THIẾT KẾ THỜI TRANG

Ngày hôm nay, mình sẽ dẫn mọi người bước gần hơn vào thế giới nội tâm của những sinh viên ngành thiết kế thời trang. Dưới đây là sự đúc kết từ trải nghiệm cá nhân cũng như từ những người bạn quanh mình. Mong rằng chúng mình có thể đồng cảm và thấu hiểu nhau trên chặng đường này nhé!


1. Lo sợ mình sẽ trở nên nhạt nhoà, so sánh bản thân với người khác.


Vì là ngành sáng tạo, quanh bạn có những con người xuất sắc với vô vàn ý tưởng, cá tính và phong cách khác nhau. Có lẽ trước khi bước chân vào thế giới thời trang, ai cũng từng có tâm lý lo lắng, hồi hộp và đôi chút dè chừng.


Nhưng đừng lo, điều này thường chỉ đến vào lúc ban đầu. Khi đã làm quen với mọi thứ, bạn sẽ nhận ra vì mỗi cá thể là khác nhau, với những giá trị và định hướng khác nhau nên mọi sự so sánh đều trở nên khập khiễng. Hãy cứ kiên trì, rồi một ngày bạn sẽ nhận ra mình cũng đặc biệt đó chứ?


2. Khó khăn trong việc kiếm tìm “signature style”.

Trong thiết kế thời trang, một trong những điều quan trọng nhất là bạn cần có phong cách cá nhân và triết lý sáng tạo của riêng mình. Nếu không, bạn sẽ bị phụ thuộc vào những nguồn cảm hứng có sẵn, những hình ảnh trên mạng.


Ngày cấp 3, mình thường sử dụng Pinterest rất nhiều để tham khảo kiểu dáng trang phục, mình thấy cách làm đó khiến cho thiết kế trở nên thiếu đi chiều sâu. Hơn 1 năm đổ lại, hầu hết quá trình vẽ mẫu mình không còn lướt web, mình cứ vẽ thôi. Sau một thời gian dài mình cũng đã nhận ra những nét chung nhất định ở các thiết kế của mình và bản thân mình thiên về những form đồ nào.


Mình chuộng cách thiết kế nhấn vào “volume” (hình khối lớn, kiểu dáng lạ, độ rộng và chiều dài phóng khoáng).


Đó là lý do vì sao chúng ta cần quá trình R&D (research & development) từ trước đó để hiểu về bản thân hơn và khi đặt bút sẽ hạn chế việc bị phân tâm bởi các nguồn trên mạng.


3. Đề phòng với sự đánh giá/cạnh tranh về thị hiếu và gu thẩm mỹ.


Nhiều bạn luôn lo sợ và mặc định ngành thời trang sẽ có nhiều sự cạnh tranh không lành mạnh, đố kỵ giữa sinh viên với nhau về phong cách của mỗi người. Bạn lo sợ người ta sẽ đánh giá thiết kế của mình bởi những thứ họ cho là “hợp thời”’hơn. Nhưng điều này không hoàn toàn đúng, bởi ngành nào cũng có người này người khác. Môi trường quanh mình (trường học và nơi mình đi làm) mọi người cư xử rất văn minh và luôn sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau, mọi cá tính đều được tôn trọng. Điều này chính là động lực khiến cho mình thêm hăng say với công việc.



Còn về tính cạnh tranh nói chung, có lẽ ngành nào cũng có, nhất là giữa các thương hiệu với nhau. Nhưng nếu đó là sự cạnh tranh lành mạnh và là điều tất yếu, bạn cũng đừng lo lắng quá. Mình sẽ nói kĩ hơn về tính cạnh tranh của ngành thời trang ở bài viết sau.


4. Thiếu ngủ, cảm giác quá tải và không nhìn thấy điểm dừng của chuỗi deadlines.


Có lẽ đọc đến đây, các bạn thấy được bản thân mình trong đó. Ngày nhỏ, ai cũng nghĩ thiết kế thời trang là tự tay hoạ lên những bộ cánh thật đẹp. Nhưng học rồi mới thấy thực sự khâm phục những cô, những bác hàng may….


Mình không thể quên những ngày dài đến trường hai tay vừa ôm hộp đồ nghề, vải, giấy rập (khổ a0), rồi xách cả chiếc túi đựng sketchbook, màu vẽ, máy tính mà muốn gãy bờ vai. Sát thi, có những đêm chúng mình thức trắng để may nốt đồ án, hoàn thiện sketchbook. Đó từng là khoảng thời gian chúng mình bị phụ thuộc vào cà phê.


Vì sao mình lại bảo là không thấy điểm dừng của deadlines? Thực ra bạn sẽ thấy nếu ngày nào cũng bắt tay vào làm, nếu không chúng sẽ chẳng đợi bạn đâu…Từ ngày học thiết kế, chúng mình có thêm khái niệm mới: 4-5h sáng có lẽ không phải là muộn….



5. Tâm lý xót tiền và sự cân nhắc kỹ lưỡng các khoản chi trong quá trình hoàn thiện đồ án.


Dù bạn có đam mê ngành học này đến đâu, có một sự thật chúng ta đều biết đó là để hoàn thiện một đồ án thiết kế, mỗi người cần bỏ ra những khoản chi phí cá nhân nhất định. Những chi phí đó bao gồm cả quá trình làm sketchbook, in ấn, đến nguyên phụ liệu may mặc và kế hoạch cho photoshoot. Nếu bạn có kĩ năng thiết kế đồ hoạ (sử dụng AI, Photoshop, Procreate thì sẽ tiết kiệm khá nhiều đó).


Đây là một trong những lý do phổ biến khi nhiều bạn đam mê thời trang nhưng lại chưa thể theo học ngành này. Đó là lý do mà mình tạo nên THE FASHION ALLEY, với mục đích mang lại kiến thức và cái nhìn về ngành tới tất cả những bạn trẻ có niềm yêu thích với thời trang, những bạn beginners hay những bạn vì hoàn cảnh nên phải học trái ngành.

6. Tự ti về khả năng vẽ diễn hoạ của bản thân.


Có rất nhiều bạn từng hỏi mình rằng “em vẽ không được tốt thì có theo học ngành này được không?”. Câu trả lời là hoàn toàn có bạn nhé! Có rất nhiều nhà thiết kế nổi tiếng dù chỉ phác vài nét nguệch ngoạc vẫn có thể ra mắt những bộ sưu tập để đời. Vậy mấu chốt chắc hẳn không nằm ở khả năng diễn hoạ phải không các bạn?


Thiết kế bao gồm những tư duy của bạn về phong cách, chất liệu, kĩ thuật, tính ứng dụng và nhiều thành tố khác quan trọng trong thực tế. Thiếu đi những điều này, thiết kế của bạn dù có đẹp đến đâu cũng chỉ nằm trên trang giấy. Học thiết kế, bạn có khả năng diễn hoạ chuyên nghiệp, đó là điều tuyệt vời, nhưng thực sự bản vẽ của bạn chỉ cần đủ để người khác có thể hiểu ý tưởng và không quá ẩu là được.


Trong quá trình học, khả năng diễn hoạ của mỗi người sẽ tự cải thiện qua thời gian, qua quá trình R&D (research & development) nên hãy cứ để nó tự nhiên, bạn nhé! Rồi một thời gian nữa, bạn sẽ nhận ra mình đã thay đổi như thế nào đó.


Còn những sự thật nào về tâm lý của sinh viên thiết kế thời trang mà mình bỏ lỡ không? Các bạn hãy chia sẻ thêm với mình nhé!










158 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page