top of page
  • Ảnh của tác giảVyy Bui

THẾ NÀO LÀ MỘT PORTFOLIO THỜI TRANG CUỐN HÚT?

Đã cập nhật: 26 thg 11, 2021

Làm sao để có một portfolio thời trang cuốn hút? Thế nào thì được coi là một portfolio thời trang ấn tượng và hấp dẫn đối với nhà tuyển dụng? Đây là những thắc mắc và cũng là nỗi lòng chung của những bạn trẻ đam mê thời trang, trong đó có mình.


Bản thân mình vẫn cần học hỏi rất nhiều, nhưng chúng ta ở đây để giúp đỡ lẫn nhau mà phải không? Qua những trải nghiệm cá nhân trong ngành thời trang, cùng một vài nghiên cứu nhỏ, mình sẽ chia sẻ với mọi người những tiêu chí mà mình nghĩ sẽ giúp cho portfolio thời trang trở nên đặc biệt hơn.


IMAGE: @CAILEEYATES

1. Dung lượng hợp lý

Có rất nhiều bạn từng hỏi mình rằng một portfolio thời trang nên có độ dài như thế nào. Thực ra điều này cũng phụ thuộc vào bề dày kinh nghiệm của mỗi người và cách truyền tải thông điệp cá nhân. Tuy nhiên, một portfolio thời trang có dung lượng vừa phải và hợp lý nên ở mức 20-40 trang.


Đối với những bạn không theo thiết kế thời trang hoặc apply trái ngành nhưng vẫn muốn nộp kèm portfolio trong hồ sơ thì dừng ở 20-25 trang là vừa đẹp và sẽ không bị quá lan man. Bạn nào theo thời trang chuyên sâu hay học thiết kế, có thể cân nhắc số trang là 30-35 hay nhiều nhất có thể lên 40.


IMAGE: @CAILEEYATES


Có một điều chúng ta cần lưu ý, đó là bạn chỉ nên để nhiều trang khi những tác phẩm của bạn thực sự cuốn hút. Bởi nhà trường/nhà tuyển dụng sẽ không thực sự để ý đến dung lượng khi xem một portfolio khiến họ bị thu hút và muốn xem nữa và nữa. Điều này khó mà nói trước vì cảm quan nghệ thuật của mỗi người là khác nhau, đối với mình, tính toán số trang trước vẫn là giải pháp an toàn và giúp cho sự sắp xếp nội dung logic hơn. Portfolio hoàn chỉnh của mình dừng ở 39 trang không kể bìa.


2. Tính đa dạng

Để một portfolio thời trang trở nên chuyên nghiệp hơn, bạn cần thể hiện sức sáng tạo phong phú và sự linh hoạt của bản thân trong lĩnh vực này. Các bộ sưu tập/thiết kế nên được thể hiện dưới nhiều góc độ và chủ đề khác nhau, thử nghiệm nhiều phom dáng, màu sắc, chất liệu và không bó hẹp trong một kiểu concept. Hay sự đa dạng cũng được thể hiện qua những trải nghiệm cá nhân của bạn trong ngành thời trang. Bạn có thể vẽ, có thể lên kế hoạch cho một photoshoot, có thể tổ chức sự kiện thời trang, hay thậm chí làm rập, may…?


IMAGE: @SHIFAPETIWALA


Tính đa dạng, đa sắc màu của một portfolio thời trang là một trong những điều cần gây ấn tượng hàng đầu cho nhà tuyển dụng. Bởi lẽ, bên cạnh bạn còn rất nhiều ứng viên có sức sáng tạo dồi dào và ngành thời trang thực sự rất nhiều người giỏi. Tất nhiên, đa dạng không có nghĩa là bạn sẽ lu mờ, giữa những concept khác nhau, bạn vẫn cần có một “sợi chỉ" xuyên suốt, đó là tính cách cá nhân qua từng mẫu thiết kế.


3. Ý thức về thị trường

Mỗi nhà thiết kế đều cần xác định cho mình những hướng đi riêng trong thị trường thời trang. Điều này thể hiện qua phong cách/ xu hướng bộ sưu tập của bạn. Nó có high fashion không? Nó là streetwear, evening wear, tailoring (vest/blazer) hay formal wear? Bạn thiết kế cho giới tính nào (womenswear, menswear hay unisex)? Bạn hướng đến những khách hàng như thế nào? Hay bộ sưu tập và chủ đề của bạn hướng đến những đối tượng nào trong xã hội?Bộ sưu tập của bạn thuộc mùa nào (fall-winter/spring-summer)? Những thiết kế của bạn có ứng dụng được không? Nếu có thể, bạn hãy chú thích ngắn gọn những thông tin trên vào các trang portfolio, điều này sẽ khiến nhà tuyển dụng thấy rõ hướng đi và sự phân loại trang phục, hơn nữa là vị trí/mảng mà bạn có thể đóng góp trong lĩnh vực thiết kế.


Đối với những bạn có định hướng thiết kế thời trang commercial (ứng dụng, thương mại) nhưng vẫn cần một portfolio ấn tượng, bạn có thể phân chia hạng mục trang phục sàn diễn (thể hiện sức sáng tạo) và trang phục có tính thương mại (thể hiện tính thực tế).


Về mảng fashion marketing, nhận thức về thị trường sẽ được thể hiện qua cách bạn làm trendboard, nghiên cứu thương hiệu và các yếu tố về visual. Mình sẽ nêu rõ hơn ở một bài viết khác. Có rất nhiều cách để sắp xếp portfolio một cách thú vị, điều quan trọng là bạn hãy để ý và chăm chút từ những điều nhỏ nhất.










IMAGE: @TABASSUMCHOUDHURY


4. Sự giao tiếp rõ ràng

Yếu tố giao tiếp (communicate) trong portfolio thời trang là điều quyết định việc nhà tuyển dụng có thể hiểu được ý tưởng của bạn hay không. Đối với thiết kế thời trang, ba điều mà bạn cần làm rõ trong portfolio đó là sự nghiên cứu (research) - phát triển (develop) - sản phẩm cuối cùng (final garment). Nhiều bạn hỏi mình rằng, portfolio thời trang có cần hình ảnh thiết kế thực không? Nếu bạn apply thiết kế thời trang, câu trả lời là nên, đối với nhiều nơi sẽ là có, là bắt buộc. Bản thân mình, ngay cả khi apply marketing thời trang, mình vẫn đính hình ảnh những sản phẩm thực mà mình thiết kế. Nếu không thể tự may, bạn có thể thuê may, điều này hoàn toàn không ảnh hưởng. Nhưng nếu bạn có thể tự may, đó cũng là một lợi thế tương đối lớn.


Bên cạnh đó, một điều mình vẫn thường nói, đó là vấn đề về visual và graphic. Hãy chọn một layout thể hiện rõ tính cách của bạn và chủ đề của các bộ sưu tập. Hãy chọn cách dàn trang và tông màu cố định xuyên suốt các trang để thấy sự kết nối. Cách sắp xếp trình tự các bản vẽ, thiết kế cũng cần sự tính toán nhất định để tạo flow, mood cho người xem. Nhìn chung, nhà tuyển dụng sẽ không hứng thú với một portfolio rời rạc với bố cục không hợp lý. Bạn cần tạo cảm giác cuốn hút, hào ứng cho người xem về thị giác lẫn xúc giác. IMAGE: @CHRITINESANTOSA


5. Quá trình phát triển ý tưởng

Đôi khi các bạn quá chú trọng vào việc cần may ra những bộ đồ thực tế để đưa vào portfolio mà vô tình bỏ sót quá trình phát triển ý tưởng. Nếu không có quá trình R&D (research & development) thì cũng không có những thiết kế ấn tượng và mang phong cách của riêng bạn.


Đối với ngành thiết kế thời trang, quá trình tư duy để sáng tạo nên một bộ trang phục/bộ sưu tập là điều mà nhà tuyển dụng mong muốn được nhìn thấy nhất. Qua đó, họ nhìn thấy con người bạn và cách bạn vận hành những nguyên liệu sẵn có. Thay vì đánh giá chi tiết thành phẩm cuối cùng, họ mong muốn hiểu được làm sao bạn có được thiết kế đó. Quá trình này được thể hiện qua những trang sketch truyền tải nguồn cảm hứng, phác thảo ý tưởng nguyên sơ đến cách bạn minh họa chất liệu, phát triển phom dáng.


IMAGE: @CHRISPACK


Nhà tuyển dụng muốn nhìn thấy điểm khởi hành của bộ trang phục và ý niệm của nó. Ngay cả khi những hình vẽ đó không hoàn hảo, hãy cứ chọn lọc, đưa vào portfolio và bố cục một cách hợp lý. Bởi tất cả những bộ cánh lộng lẫy mà bạn thường thấy trên runway quốc tế, ban đầu chúng cũng chỉ là những nét phác thảo rất ngẫu hứng, sơ lược. Nếu có thể, hãy đưa vào portfolio những nghiên cứu của bạn về bối cảnh lịch sử/xã hội của concept, hay về chất liệu và cách xử lý bề mặt...Bạn có thể tự thử nghiệm thực tế trên mannequin và đưa chúng vào portfolio. Hãy cho họ thấy bạn là một người có thiện chí khám phá và đào sâu, chăm chút cho từng tác phẩm của mình.



6. Quá trình phát triển bản thân

Sau tất cả, cá nhân mình cũng rút ra một điều mà không quá nhiều bạn để ý khi làm portfolio, đó là thể hiện sự tiến bộ, phát triển của chính bản thân bạn theo thời gian. Cách đây hơn 1 năm, mình đã đưa cả những bản vẽ ngây ngô của mình vào bộ hồ sơ nghệ thuật. Đó là những bản thiết kế ngày mình mới bắt đầu thực sự tìm hiểu về thời trang. Để mô tả chúng, mình nghĩ đó là những nét vẽ vụng về, những bộ trang phục không đặc sắc và có phần trẻ con.


IMAGE: @EMILYMAUDSLEY


Tuy vậy, đó là con người mình, là xuất phát điểm của mình. Nếu không có một Vy Bùi bỡ ngỡ, vụng về của 4 năm về trước, cũng sẽ không có mình của ngày hôm nay. Những tác phẩm tuy không đẹp, không hoàn hảo đó là điều ta cần trân trọng, là thứ để ta nhìn lại và biết ơn. Mình đã truyền tải với nhà trường như vậy đó! Mình không biết điều này có đúng không, nhưng việc gợi lại những bước đi chập chững trong nghề đôi khi có thể khiến nhà tuyển dụng nhìn thấy chính bản thân họ trong đó. Nếu không đưa vào portfolio, bạn có thể chia sẻ những điều này trong cuộc phỏng vấn. Mình nghĩ xuất phát điểm của bất kì ai cũng đáng được tôn trọng, bởi đó là một phần của mỗi người. Nhà tuyển dụng sẽ thấy được sự nỗ lực phát triển bản thân và niềm đam mê, tâm huyết của bạn trong một khoảng thời gian rất dài.


Sau cùng, đó là 5 điều mà cá nhân mình tin rằng sẽ làm nên một portfolio thời trang cuốn hút và ấn tượng khi apply vào các trường cao đẳng, đại học thời trang. Nếu cần bổ sung, các bạn hãy chia sẻ thêm với mình nhé! Mong những thông tin này có ích với mọi người!


Nguồn tham khảo thêm: http://www.northumbriafashion.com/











1.440 lượt xem2 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page