Vyy Bui
TÂM LÝ PHỔ BIẾN CỦA SINH VIÊN MARKETING THỜI TRANG (P1)
Trong ngành thời trang, lĩnh vực Truyền thông & Marketing hiện vẫn còn tương đối mới tại Việt Nam. Có rất nhiều bạn hứng thú và mong muốn được tìm hiểu thêm về khía cạnh này. Ở những bài viết trước, mình đã chia sẻ về những môn học của lĩnh vực Truyền thông & Marketing Thời trang cũng như tâm lý phổ biến của sinh viên Thời trang (nhưng ở lĩnh vực thiết kế).
Vậy mọi người có tò mò về tâm lý của những sinh viên Fashion Marketing hay không? Hôm nay mình sẽ cùng khám phá nhé!

1. Cảm giác quá tải trong quá trình nghiên cứu.
Trong bài viết về các môn học của ngành Marketing Thời trang, mình từng chia sẻ rằng kỹ năng nghiên cứu (research) là yếu tố cốt lõi và được sử dụng nhiều nhất. Để hiểu về thị trường thời trang, các xu hướng, phong cách và lên chiến lược quảng bá cho thương hiệu, chúng mình cần tham khảo rất nhiều nguồn thông tin và đôi khi sẽ cảm thấy quá tải. Giữa nhiều trang tin khác nhau, chúng mình cần phân biệt và chọn lọc những chi tiết đắt giá nhất để làm tư liệu.

Đặc biệt, khi mình lên kế hoạch marketing cho mạng xã hội như facebook, instagram hay pinterest, mình đã mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu đặc tính riêng của từng nền tảng và cách truyền đạt ngôn ngữ thời trang ra sao sẽ phù hợp với chúng. Tùy vào tính cách của thương hiệu, có nền tảng sẽ chỉ phù hợp với ảnh editorial, có nền tảng lại phù hợp ảnh lookbook - products mang tính thương mại. Ngoài ra, bạn cũng cần nắm được các mô hình marketing như 4P, 4C, AIDA, SOSTAC, Brand Onion,...và áp dụng vào lĩnh vực thời trang.
Bạn cần nắm bắt thông tin về các thương hiệu lớn nhỏ trong và ngoài nước, không chỉ về tinh thần nghệ thuật mà còn nhìn sâu vào nguồn lực marketing và phương thức sản xuất hình ảnh, nội dung của họ. Chính vì vậy, những bản brand report dày hơn 100 trang là một phần cuộc sống của chúng mình. Bản thân mình là một người kỹ tính trong từng công việc, điều này khiến cho quá trình research của mình trở nên kỳ công, đòi hỏi nhiều thời gian và đôi lúc ở trạng thái quay cuồng giữa quá nhiều luồng dữ liệu.
2. Tự ti về khả năng giao tiếp của bản thân.

Đây là một tâm lý khá phổ biến mà mình nhận ra sau những trải nghiệm làm teamwork và từ chính bản thân mình. Mọi người sẽ tự hỏi, tại sao học truyền thông nhưng chúng mình lại tự ti về khả năng giao tiếp của bản thân?
Cũng giống như sinh viên thiết kế, nếu các bạn từng tự ti về khả năng vẽ diễn hoạ thì chúng mình cũng có những nỗi lo riêng. Chúng mình tự ti về khả năng giao tiếp trên văn bản (viết content, viết plan) và kỹ năng giao tiếp cùng đối tác (liên hệ influencers, KOLs, báo chí…). Chúng mình sợ bản thân chưa thể truyền tải được những thông điệp và giá trị của thương hiệu, cũng như chưa đáp ứng được sự chuyên nghiệp khi làm việc cùng celeb, người nổi tiếng…

Hơn hết, sự giao tiếp ở đây cần mang tính chuyên môn cao về thời trang. Ngay cả khi làm chiến lược về Influencer marketing, bạn cũng cần sự am hiểu nhất định về phong cách cá nhân của người đó và sự kết nối của họ với thương hiệu thời trang. Chính vì vậy, ta thường cảm thấy tự ti về giao tiếp trong ngành này khi chưa có sự nghiên cứu đủ sâu về khía cạnh thời trang.
Mảng visual cũng góp phần tạo nên sự giao tiếp về hình ảnh - truyền thông hình ảnh. Kỹ năng về xử lý layout, graphic và làm video cần đánh được vào thị hiếu và cảm quan của người xem. Mình đã học hỏi từ rất nhiều phong cách của các tạp chí thời trang và sách, ảnh…
Có thể nói, sự giao tiếp ở lĩnh vực này không nhất thiết là khả năng nói chuyện, đối đáp của bạn với người khác. Nó là sự thể hiện của bạn trên mọi phương diện trên từng công việc, đúng như tên gọi của nó: Truyền thông & Marketing thời trang - bạn luôn luôn giao tiếp.
3. Bí ý tưởng viết content chuyên môn thời trang.
Làm Marketing thời trang đồng nghĩa với việc lên ý tưởng nội dung các chiến dịch quảng bá thương hiệu. Để những chiến dịch đó thành công và thu hút được lượng lớn khách hàng, nội dung và câu từ của bạn cần thật sắc nét, đánh trúng vào tâm lý của họ. Tư duy về thời trang và ngôn từ chuyên môn là những yếu tố quyết định tính hiệu quả của công việc này.
Trong quá trình viết content, mình đã từng rất nhiều lần cảm thấy bí ý tưởng và gặp khó khăn trong cách trích dẫn, truyền đạt. Làm sao để đọc một nội dung nào đó, họ cảm nhận được tính thời trang ngay lập tức? Làm sao để mô tả một thiết kế/bộ sưu tập với ngôn từ tinh tế, giàu tính biểu hiện mà vẫn mang tính trung lập? Bên cạnh đó, mình cũng cần trau dồi vốn từ về các kiểu phong cách, xu hướng thời trang, các chi tiết trên trang phục, phom dáng, kỹ thuật may mặc và diện mạo khách hàng.

Xuất thân của mình là chuyên văn, cũng là một lợi thế với những công việc cần viết nhiều. Tuy nhiên, văn học rất khác với văn phong trong ngành công nghiệp thời trang và mỗi thương hiệu đều có những cách làm nội dung khác nhau. Ví dụ điển hình nhất, cách mình làm chiến dịch ở thương hiệu thiết kế thời trang sẽ khác với cách viết báo chuyên mục giải trí - thời trang và càng khác với lối hành văn của một fashion blogger. Làm một chuyên viên marketing, bạn có thể cùng một lúc đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau, điều này yêu cầu tính linh hoạt cao trong xử lý thông tin.
Dẫu vậy, đừng quá lo lắng, mình nghĩ đây là tâm lý chung của tất cả những bạn làm content dù là ở lĩnh vực nào đi chăng nữa. Hãy cứ viết, viết và viết. Lần đầu chưa thể sắc nét, bạn sẽ dần cải thiện được ở những bài kế tiếp. Không phải bạn không có năng lực, nếu không thể viết, bạn sẽ chẳng chọn đi theo hướng này đâu! Hãy vững tin vào bản thân, kiên định với con đường mình chọn và nhớ rằng ai cũng cần làm quen với những kiểu hành văn khác nhau.
4. Luôn cập nhật và nắm bắt thị trường thời trang.

Một trong những trăn trở của sinh viên Marketing đó là làm sao để nắm được những kiến thức về thị trường trong lĩnh vực của mình? Chừng nào bạn chưa thực sự hiểu về tâm lý khách hàng, phân khúc sản phẩm của nơi mình đang làm việc, bạn sẽ không thể làm truyền thông hiệu quả.
Đối với thời trang cũng vậy, đó là lý do vì sao chúng mình cần học về trend forecasting, market research, brand report tại trường. Trước đây, mình từng cảm thấy tự ti vì vốn kiến thức về thị trường của mình không nhiều. Mình không biết nhiều về các thương hiệu thời trang trong và ngoài nước, không biết nhiều về các nhà thiết kế và thậm chí là các trend, phong cách thời trang. Để cải thiện điều này, mình đã luôn nghiên cứu rất sâu và rộng trong từng bài tập được giao và tự kiếm thêm sách đọc.

Đến thời điểm hiện tại, mình chỉ dám nhận rằng mình đã biết nhiều hơn trước chứ chưa phải là biết nhiều. Thị trường luôn biến động, đặc biệt là một ngành công nghiệp năng động và đa sắc màu như thời trang, có rất nhiều người giỏi hơn mình với nguồn kiến thức vô cùng rộng mở. Một trong những lý do mình yêu thích công việc viết báo là do nó cho mình cơ hội được cập nhật thông tin, nắm bắt những xu hướng và tin tức mới nhất trong lĩnh vực mình quan tâm. Đó là lỗ hổng mà mình đang thiếu bấy lâu nay, công việc viết báo đã khiến mình tìm đủ mọi cách, đào sâu từng nguồn tin trên mạng để có đề tài viết. Mình cũng được theo dõi và học hỏi từ những anh chị ở Ban Giải Trí nói chung, không chỉ lĩnh vực thời trang mà mình đang làm.
5. Đối mặt với yếu tố cạnh tranh của thị trường thời trang.
Ngành thời trang vốn dĩ có nhiều cạnh tranh, nếu các bạn sinh viên thiết kế luôn mang nỗi lo về sức sáng tạo, ý tưởng hoạ nên những bộ cánh độc đáo thì sinh viên Marketing thời trang cũng áp lực không kém với công cuộc chạy đua cùng thị trường. Chạy đua ở đây không phải là chạy theo xu hướng hay những “cơn sốt” của thời cuộc, mà đó là cách ta xoay chuyển phương hướng truyền thông sao cho thu hút với khách hàng và tạo được dấu ấn cho cả thương hiệu, không chỉ ở khía cạnh thời trang mà còn nhiều giá trị khác nữa.

Với sự phát triển của công nghệ và các nền tảng mạng xã hội, ngày càng nhiều các thương hiệu thời trang trẻ nổi lên với cách tiếp thị và làm hình ảnh vô cùng ấn tượng. Thách thức của chúng mình là tìm một vị trí cho doanh nghiệp thời trang trong cuộc đối thoại giữa khách hàng và concept bộ sưu tập. Đồng thời giúp cho khách hàng đón nhận ý niệm nghệ thuật một cách chân thực, tạo ra những cơ hội tuyệt vời để làm tăng lòng trung thành với thương hiệu.
Đôi khi sẽ xuất hiện sự tương đồng giữa các bộ sưu tập thời trang của nhiều thương hiệu khác nhau. Tuy nhiên, để trở nên nổi bật và khẳng định giá trị của riêng mình, điều này phụ thuộc vào cách ta làm truyền thông và xây dựng campaign để lan toả thông điệp đó. Nếu làm marketing không hiệu quả, bạn sẽ không để lại ấn tượng trong lòng khách hàng dù thiết kế của bạn có kỳ công đến đâu. Bởi ngoài kia, vẫn còn rất nhiều sự lựa chọn khác lộng lẫy hơn, sáng tạo hơn cho họ.
6. Khó khăn trong việc lên chiến lược Marketing.
Để lên chiến lược Marketing cho thương hiệu thời trang, hay chiến dịch quảng bá show diễn/sự kiện thời trang, bạn cần có cái nhìn tổng quát cho tất cả các phương diện của thương hiệu/chương trình đó. Chắc hẳn cụm từ “Marketing plan" đều khiến cho các bạn sinh viên truyền thông cảm thấy quen thuộc. Cũng như nhiều lĩnh vực khác, ngành thời trang cũng cần áp dụng những mô hình Marketing - Branding như 4P, 4C, AIDA, SMART, SOSTAC, Brand Onion…Điều khác biệt ở đây là yếu tố về tính nghệ thuật và chuyên môn thời trang được đẩy lên hàng đầu.

Ngày nay, thời trang không còn đơn thuần là sản phẩm mang tính chất thương mại. Những hành vi tiêu dùng của ngành thời trang không chỉ dừng lại ở việc mua và bán. Thời trang còn là biểu hiện của phong cách sống, là ngôn ngữ nghệ thuật và sự giao tiếp vô hình giữa con người và con người. Thông qua các nền tảng mạng xã hội và kênh online, các marketer cần truyền tải một thông điệp thống nhất về hình ảnh lẫn nội dung để kết nối bộ sưu tập với khách hàng và đời sống tinh thần của họ.
Những nhà thiết kế đương đại luôn tìm cách để truyền tải các thông điệp, giá trị về văn hoá và câu chuyện cá nhân vào từng bộ đồ. Làm sao để khách hàng có sự đồng điệu với nhà thiết kế/thương hiệu, làm sao để họ cảm thấy vui và muốn giữ bộ trang phục đó thật lâu (định hướng slow fashion)? Điều này phụ thuộc vào cách ta lên chiến lược phù hợp hay không.