top of page
  • Ảnh của tác giảVyy Bui

PHẠM HOÀNG YẾN | TỪ SINH VIÊN 2 TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐẾN STYLIST THỜI TRANG CHUYÊN NGHIỆP

Chị Hoàng Yến, với xuất phát điểm là sinh viên Thời Trang tại LCDF Hanoi, đồng thời đảm nhiệm cả chuyên ngành Quản trị kinh doanh quốc tế tại Trường ĐH Ngoại Thương giờ đây đã là một stylist có tiếng trong nghề. Mình thực sự rất ngưỡng mộ cách chị luôn cố gắng vì công việc và những quan điểm khi học song ngành của chị có rất nhiều điểm chung với mình! Nếu bạn tò mò chị đã cân bằng hai lĩnh vực này ra sao, cùng mình tìm hiểu ở bài phỏng vấn này nhé!

Chị có thể chia sẻ một kỉ niệm đáng nhớ của mình tại LCDF không?


LCDF mang đến cho chị rất nhiều cơ hội, một trong số đó là được đi support cho các anh chị khóa trên tại tuần lễ tốt nghiệp của trường LCDF Graduate Fashion Week. Khi năm nhất mình đã có cơ hội support cho chị Kiều Bảo Trâm, mình rất thích và cố để hỗ trợ chị Trâm hết sức có thể. Bất ngờ hơn khi BST của chị Trâm được chọn để trình diễn tại Vietnam International Fashion Week năm đó, nên mình cũng may mắn được chị Trâm tin tưởng tiếp tục trở thành người đồng hành ở một sân khấu lớn hơn - lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ. Hiện tại thì 2 chị em vẫn rất thân thiết và luôn ủng hộ nhau tại mọi sân khấu dù lớn hay nhỏ.


Bí quyết của chị để nhận được học bổng cao nhất của khoa Thiết kế thời trang tại LCDF là gì?


Mình nghĩ là biết tận dụng mọi cơ hội, mọi nguồn lực xung quanh. Trước đây, mình lớn lên ở quê nên không có nhiều điều kiện tiếp xúc nhiều với nghệ thuật, nên khi làm hồ sơ và portfolio mình cũng khá hoang mang. Bù lại là nhờ sự bất an đó, mình luôn tận dụng mọi tài nguyên xung quanh để sáng tác, từ những cuốn tạp chí cũ, những mảnh vải thừa đi xin được, hay ngay cả những hạt cườm trên chiếc áo cũ cũng bị chị dứt ra để đưa vào các tác phẩm trong portfolio. Luôn thấy “chưa đủ” và phải “có thể làm gì tốt hơn nữa không?” là điều khiến mình luôn thúc đẩy bản thân làm việc. Nên khi nhận được hồ sơ và portfolio của mình, các thầy cô đều khá bất ngờ vị số lượng tác phẩm, sự đa dạng trong sử dụng nguyên liệu và các ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau: vẽ, diễn hoạ, collage, chụp hình, vẽ trên vải, sử dụng chất liệu thật. Cho đến tận bây giờ, mình vẫn rất tự hào và nâng niu cuốn portfolio ngày đó, thậm chí có nhiều người còn hỏi mua, nhưng đối với mình nó là một tác phẩm vô giá.


Những khó khăn/thử thách trong khoảng thời gian theo học 2 trường Đại học cùng một lúc của chị là gì?


Khó khăn lớn nhất là về quản lý thời gian, vì hai trường cũng ở khá xa nhau, lịch học cũng bị trùng mà mình vẫn cố gắng giữ đúng tiến độ của cả hai, phải giữ kết quả học ở LCDF ở mức tốt để giữ học bổng, ngoài ra phải làm thêm để trang trải cuộc sống sinh viên nữa. Nhớ lại khoảng thời gian đó mình vẫn thấy khá “khâm phục” bản thân, tiết kiệm từng tích tắc thời gian trong ngày để hoàn thành công việc. Ví dụ như việc ăn trưa, mình cố gắng ăn nhanh hơn mọi người để lên lớp tranh thủ làm bài tập vừa xong buổi sáng. Nhưng nhờ cường độ học tập, công việc lớn ngày đó, mình học được cách quản lý thời gian hiệu quả cũng như sức bền trong công việc để áp dụng cho hiện tại. Dù thế nào, mình vẫn cảm thấy mình gặt hái được rất nhiều bài học từ những khó khăn, và mọi thứ đều rất xứng đáng.


Việc theo học 2 chuyên ngành cùng một lúc có ích như thế nào tới các dự định tương lai của chị?


Đó là cái nhìn tổng quát, toàn cảnh đối với ngành nghề và cuộc sống. Mình theo học quản trị kinh doanh và thiết kế thời trang, nó mở ra cho mình cơ hội tiếp xúc tất cả các touchpoint khác nhau: advertising, marketing, môi trường agency, production house, business, community, entertainment,... Đó thực sự là các điểm chạm mình may mắn được chạm đến trong nghề, được học các kỹ năng, tiếp xúc nhiều môi trường khác nhau, và quan trọng hơn là thu nhặt những trải nghiệm quý giá đó để xây dựng một doanh nghiệp riêng của mình. Khi vào ngành, chị cũng gặp rất nhiều người làm trái ngành khác, người tiêu cực sẽ cho rằng trái ngành hoặc song ngành là mất thời gian, nhưng theo Yến, biết tận dụng thì càng nhiều “điểm chạm”, càng nhanh vẽ cho mình tấm bản đồ định vị bản thân trong công việc cũng như cuộc sống.


Cơ duyên nào khiến chị lựa chọn ngành thời trang nói chung và nghề stylist nói riêng?


Mình cảm thấy thời trang và nghệ thuật là DESTINY cũng như MISSION của cuộc đời mình ngay từ khi nhận thức được những điều đầu tiên về cuộc sống. Yến biết vẽ từ trước khi biết viết chữ nữa cơ. Và từ khi đó, mình tiếp tục nuôi dưỡng, đắm chìm trong nó mỗi giây mỗi phút. Thật ra mình vẫn nhớ như in mới hôm qua mình là cô bé học lớp 3, ngồi trong giờ tiếng anh mà lật phía sau vở để vẽ nguệch ngoạc những bộ quần áo, những cô người mẫu, bị cô giáo phát hiện và mắng trước lớp, hay là cô bé lớp 12 đi giữa sân trường mà tưởng tượng mình đang đi từ cánh gà ra để chào kết sau một show diễn hoành tráng, thế mà mở mắt ra, hôm nay mình đã sống trong ước mơ của mình từ khi nào rồi.


Đối với chị, những phẩm chất quan trọng nhất khi trở thành một stylist là gì?

Đó là sáng tạo ( tính độc đáo, DNA nghệ thuật, yếu tố tiên quyết khi mình làm nghệ thuật), nhạy bén (để nắm bắt, chung hoà, thích ứng) và cầu tiến ( không ngừng trau dồi, học hỏi, biết lắng nghe).


Trong quá trình làm việc với khách hàng, chị có bí quyết gì để nắm bắt được phong cách cá nhân của họ không?

Bước đầu tiên là nghiên cứu thông tin khách hàng. Mình phải tìm hiểu được khách hàng của mình là ai, hình tượng của họ là gì và những yếu tố nào sẽ phù hợp nhất đối với hình ảnh của họ. Nghiên cứu để “biết mình, biết ta”, khéo léo đưa yếu tố ngôn ngữ thời trang cá nhân vào sản phẩm của khách hàng mà vẫn truyền tải đúng đắn thông điệp, biến họ là họ những ở phiên bản tốt hơn chứ không phải một con người khác. Giúp người khác yêu và tin vào vẻ đẹp của chính họ là công việc xinh đẹp nhất của một stylist.


Ngành thời trang vốn nhiều thách thức và cạnh tranh, chị đã làm thế nào để tạo nên màu sắc riêng cho bản thân và trở nên nổi bật hơn?


Câu trả lời khá bất ngờ là, lắng nghe người khác. Nghe khá mâu thuẫn nhưng Yến cảm thấy là nhờ biết lắng nghe những ý kiến và phản hồi liên tục từ chính ekip: người mẫu, photographer, makeup artist,... đến khách hàng, mình tìm được những góc nhìn khác về vấn đề cũng như sản phẩm mà nếu khư khư giữ quan điểm cá nhân, mình sẽ không bao nhờ nhận ra được vấn đề đó. Mình tìm kiếm những giải pháp để trung hoà, và bất ngờ là nó đều mang lại những kết quả tích cực hơn mong đợi. Đa chiều hoá lăng kính nghệ thuật sẽ giúp mình tìm ra được cảm hứng từ người khác, và ngay từ chính bản dạng khác của cá nhân.







Cảm hứng và nguồn động lực nào giúp chị luôn giữ được lửa đam mê trong công việc? Ai là người có sức ảnh hưởng lớn tới chị trong ngành thời trang?


Như mình đã chia sẻ, rất may mắn mình tìm được đam mê và “sống chết” theo nó đến tận bây giờ. Mình thấy như đang được sống trong IKIGAI mỗi ngày, sống và làm việc với thời trang và nghệ thuật, biết ơn và thoả mãn, háo hức mỗi sáng thức dậy để lại được đắm chìm trong Wonderland đời thực của chính mình. Quan trọng hơn hết, công việc này khiến Yến tin vào bản thân hơn, tin vào cuộc sống và đem lại được giá trị cho nhiều người khác: khách hàng, đồng nghiệp, những khán giả hằng ngày vẫn theo dõi và ủng hộ từng sản phẩm nghệ thuật, hay những bạn nhân viên cũng đang mơ mộng đến một ngày sẽ được sống trong giấc mơ thời trang.


Người có sức ảnh hưởng lớn nhất tới mình là mẹ. Bà là một giáo viên, nhưng cũng đồng thời là người mang đến những mảnh vụn vải đầu tiên, dạy mình cách cầm kim xỏ chỉ, khâu những chiếc áo chiếc quần cho búp bê. Tuổi thơ của mình là những ngày chơi luẩn quẩn dưới hộc bàn cắt may của mẹ, những lần háo hức được mẹ dẫn đi chợ vải trên thành phố, là hình ảnh mẹ vay tiền để mua vé máy bay cho mình vào Sài Gòn thi vẽ năm 16 tuổi. Nhờ luôn được mẹ ủng hộ hết mình như thế, Yến biết phải cố gắng để cháy hết mình với niềm đam mê này, làm việc bằng và thậm chí còn hơn tất cả những gì mình có.


Được biết chị đã hợp tác và làm việc với nhiều nghệ sĩ, vậy có ai để lại ấn tượng đặc biệt cho chị không?

Rất may mắn cho Yến có cơ hội làm việc với nhiều nghệ sĩ, ngôi sao lớn, và nhiều người trong số họ mang trong mình những câu chuyện truyền cảm hứng. Nhưng ý nghĩa nhất có lẽ là trong campaign của L’Officiel hồi tháng 3 vừa qua, Yến được làm việc với chị Khánh Vy.


Cách đây gần 3 năm, mình cũng là thành viên của cộng đồng Olympia, và mình tình cờ gặp chị Khánh Vy khi vừa bước ra khỏi trường quay S14. Mình có cơ hội được nói chuyện và chụp ảnh với chị Vy, lúc đó mình chưa trở thành stylist và chị Vy cũng chưa trở thành MC trẻ tuổi nhất của Đường lên đỉnh Olympia như bây giờ.


Sau gần 3 năm, được gặp lại chị Khánh Vy trong một vị trí mới, vai trò mới tại nơi từng rất có ý nghĩa với mình, và nhất là được đóng góp cho bộ hình lên tạp chí thời trang đầu tiên của chị Khánh Vy là một kỉ niệm đầy ý nghĩa. Tất cả đều là minh chứng cho một hành trình dài không ngừng cố gắng, không ngừng nỗ lực và đam mê của những người trẻ, để rồi sẽ lại giao nhau tại những điểm chạm bất ngờ.


Là founder của PHY Styling Agency, chị có thể chia sẻ một chút về hành trình xây dựng thương hiệu cũng như nguồn cảm hứng, ý tưởng và mục tiêu của thương hiệu không?

PHY Styling Agency là nơi đánh dấu bước chuyển mình “chuyên nghiệp hoá” của mình, không còn là sự quá bay bổng, tuỳ hứng, thất thường trong nghệ thuật nữa. PHY sẽ phân khúc từng tệp khách hàng cũng như các mảng dịch vụ nhất định: Personal Portrait, Commercial, Lookbook, KV, MV, TVC,... để mọi thứ tạo thành bộ máy có hệ thống hơn. Mục tiêu của Yến muốn xây dựng một mô hình Agency khác và mới hơn tại thị trường miền Bắc, cung cấp các gói tư vấn và giải pháp hình ảnh chuyên nghiệp, bao quát, hiệu quả.


Hiện tại PHY đang tập trung đẩy mạnh về Commercial và các dự án nghệ thuật lớn cần nguồn lực mạnh như: MV/ TVC. Hy vọng là thời gian tới PHY sẽ được mọi người biết đến nhiều hơn, tin tưởng và lựa chọn đồng hành trong những dự án đầy hứa hẹn.


Cơ duyên và lí do nào khiến chị hợp tác cùng L’Officiel?


Yến nghĩ lí do lớn nhất khiến mình được các anh chị giám đốc sáng tạo và team của L’Officiel Vietnam nhìn trúng có lẽ là xác định được DNA nghệ thuật của mình trong từng sản phẩm. Tiếp theo là một thái độ làm việc cầu tiến, cẩn thận, biết lắng nghe, tôn trọng từng cá nhân từ ekip đến khách hàng. Đối với mình đã làm nghệ thuật, đã đứng trong một team thì ai cũng như nhau, ai cũng có tư cách và trách nhiệm đối với dự án, mỗi người mỗi việc đều xây dựng cho mục đích cuối cùng là sản phẩm chất lượng.













Được biết chị và team PHY đã tham gia vào dự án “Women of Our Time” của L’Officiel Việt Nam, chị có thể chia sẻ đôi chút về một vài kỉ niệm khi làm việc không? Đối với chị, thông điệp ý nghĩa nhất mà dự án mang lại là gì?


Mình thật sự rất vui khi được góp sức vào một dự án ý nghĩa như vậy. Mình rất yêu phụ nữ, thương, trận trọng và mến phục những người phụ nữ tài giỏi, mạnh mẽ, giỏi việc nước đảm việc nhà. Tình cảm ấy xuất phát từ mẹ của chị, truyền cảm hứng mạnh mẽ đến mình của hiện tại, cũng luôn cố gắng để trở nên mạnh mẽ, độc lập, khẳng định dấu ấn của bản thân trong sự nghiệp cũng như cuộc sống. Vì vậy, khi được làm việc với những người phụ nữ truyền cảm hứng trong chiến dịch của L’Officiel, không có gì ngoài vui và hạnh phúc. Mình được góp phần làm đẹp cho các chị ấy, khiến các chị toả sáng và tự tin nhất trước công chúng, khiến hào quang đó lại càng thêm rực rỡ hơn.


Chị có lời khuyên nào dành cho những bạn trẻ muốn theo đuổi ngành thời trang nói chung và nghề stylist nói riêng không?


Một từ mà mình luôn nhắc đi nhắc lại đối với cấp dưới cũng như các bạn trẻ cần lời khuyên từ mình: “Tận dụng mọi cơ hội với tất cả những gì các bạn có”. Đó chính xác là những gì mình tâm đắc nhất cho đến thời điểm hiện tại. Tận dụng mọi cơ hội bằng cách chuyên nghiệp, tận tâm với tất cả mọi người, từ những khách hàng nhỏ nhất, làm nhiều hơn những gì người khác mong đợi, và luôn nói “Để em thử” thay vì “Không”.









Chị có thể chia sẻ về các kế hoạch cũng như dự định của chị vào thời gian sắp tới không?


Cũng rất vui được chia sẻ và trò chuyện với The Fashion Valley và Vy ngày hôm nay. Mình nói riêng và PHY Styling nói chung có rất nhiều dự định trong thời gian gần sắp tới, gần nhất là MV và 1st Album của nữ ca sĩ Thiều Bảo Trâm sẽ chính thức được ra mắt vào ngày 11.4 sắp tới, mọi người hãy cùng theo dõi và ủng hộ nhé.


Còn về xa hơn, khi PHY đã ổn định, mình sẽ không giới hạn bản thân trong tư cách một art director hay stylist về hình ảnh nữa, sẽ thử “break the norm” với vị trí khó nhằn hơn là art director trong các sản phẩm MV hoặc TVC. Hy vọng là khi xuất hiện với vai trò mới, Yến sẽ vẫn luôn được mọi người yêu thương, theo dõi và ủng hộ các sản phẩm nghệ thuật của mình.









701 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page