top of page
  • Van Trang Nguyen Ngoc

NHỮNG TỐ CHẤT ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT NHÀ LÃNH ĐẠO #Leadership_skills

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, khi mà các cơ quan đoàn thể ngày một ‘mọc lên như nấm’ và xuất hiện ở nhiều môi trường và hình thức khác nhau từ học tập, công việc đến những câu lạc bộ nhỏ lẻ,... teamwork (làm việc nhóm) đã không còn xa lạ với mỗi chúng ta. Để duy trì công việc làm nhóm, một người lãnh đạo giỏi giúp ‘trèo lái’ và sắp xếp phần việc hợp lý là một trong những yếu tố ‘then chốt’ quyết định mức độ hiệu quả của công việc. Vince Lombardi - một huấn luyện viên bóng đá nổi tiếng người Mỹ - đã từng có câu nói rất hay về định nghĩa của một người lãnh đạo: ‘Leaders are made, they are not born. They are made by hard effort, which is the price which all of us must pay to achieve any goal that is worthwhile.’ (tạm dịch là: Các nhà lãnh đạo được tạo ra, họ không được sinh ra. Họ được tạo ra bằng nỗ lực chăm chỉ, đó là cái giá mà tất cả chúng ta phải trả để đạt được bất kỳ mục tiêu nào xứng đáng.) Thật vậy, không có ai sinh ra đã có khả năng trở thành lãnh đạo. Để được ‘chọn mặt gửi vàng’ vào những vị trí này, những nhà lãnh đạo đã phải dành thời gian để ‘mài giũa’ không chỉ kiến thức mà còn nhiều kỹ năng mềm khác nữa. Nếu bạn đang tò mò những yếu tố này là gì, bài viết này sẽ đưa ra một vài gợi ý để chúng mình có thể cùng luyện tập và trở nên phát triển hơn mỗi ngày nhé!

IMAGE: @LOUIS VUITTON

1. Tự tin

Điều đầu tiên mà một người lãnh đạo cần có đó chính là sự tự tin. Một người tự tin được đánh giá là có sức hút hơn rất nhiều so với một người rụt rè, điều này giúp họ có thể dễ dàng thuyết phục và ‘dẫn lái’ mọi người theo quan điểm của mình.


Để có thể đạt được điều này, bạn cần phải tập ngôn ngữ hình thể thật tốt, ví dụ như giữ một dáng người thẳng, ngẩng cao đầu khi nói, nói to và rõ ràng và sử dụng linh hoạt, đúng cử chỉ khi nói để nhấn mạnh các điểm chính mà mình muốn truyền đạt.


Tuy vậy, tự tin không có nghĩa là kiêu ngạo. Một người lãnh đạo tốt còn là một người dám nhận lỗi thay vì cố chấp với những lối mòn cũ hay những quan điểm chưa đúng. Hơn nữa, cũng đừng ngại mà thừa nhận những thiếu sót của bản thân hay những điều mà mình chưa biết. Chúng mình ai cũng có điểm mạnh và điểm yếu riêng, nhưng nếu bạn không ngừng trau dồi bản thân mỗi ngày thì bạn sẽ nhận được nhiều sự đồng thuận và tín nhiệm của mọi người xung quanh hơn đó. Thay vì nói ‘tôi không biết’, bạn có thể nói là ‘Tôi không biết, nhưng mà tôi sẽ tìm hiểu thêm và đưa ra câu trả lời sau nhé’. Đây có thể sẽ là một điểm cộng cực lớn cho bạn trong mắt những người đồng nghiệp luôn đó!






IMAGE: @MARIE CLAIRE


2. Khả năng giao tiếp tốt

Paul J. Meyer - một doanh nhân triệu phú, nhà đào tạo huyền thoại của Mỹ - đã từng có một câu nói nổi tiếng về tầm quan trọng của giao tiếp: ‘Communication – the human connection – is the key to personal and career success’ (tạm dịch là: ‘Giao tiếp không chỉ là một sợi dây liên kết con người với con người mà nó còn là chìa khóa dẫn đến thành công của mỗi cá nhân nói riêng và sự nghiệp nói chung’.) Một nhà lãnh đạo có khả năng giao tiếp, truyền đạt thông tin dễ hiểu và chính xác sẽ giúp cho công việc điều hành, đặc biệt là khi giao việc cho nhân viên cấp dưới trở nên dễ dàng hơn. Hơn nữa, việc này còn giúp họ thuyết phục được người khác nhanh chóng, tạo lòng tin và trở thành một người ‘cầm quyền’ đáng tin cậy.

IMAGE: @THE GOOD TRADE

Không chỉ vậy, việc làm việc trong một tập thể gồm nhiều cá thể với những cá tính khác nhau sẽ dễ dẫn đến những xích mích, hiểu nhầm trong nội bộ. Một người lãnh đạo với khả năng giao tiếp tốt sẽ là sợi dây kết nối những thành viên lại với nhau, đồng thời là người đứng ra phân định phải-trái, phân tích đúng-sai thấu tình đạt lý sẽ giúp cho mỗi cá nhân vừa nhận ra những điểm chưa hoàn thiện của bản thân và hiểu nhau hơn, từ đó giúp cho xây dựng một tập thể vững mạnh và đoàn kết.


3. Khả năng tổ chức - quản lý công việc

Một nghiên cứu của trường Đại học Penn State, Claremont McKenna chỉ ra rằng ‘nhà lãnh đạo’ không phải là người đưa ra yêu cầu cứng nhắc và bắt người khác phải tuân theo, họ là những người nuôi dưỡng niềm tin và tạo sự tự chủ trong công việc cho những thành viên trong team của họ, dẫn dắt nhóm đạt được nhiều thành công hơn và từng cá nhân làm việc hiệu quả hơn. Bởi lẽ đó, một nhà lãnh đạo tốt sẽ có một tư duy logic tốt, có thể phân chia công việc công bằng và phù hợp với điểm mạnh của từng cá nhân, đúng người đúng việc. Điều này giúp cho công việc được hoàn thành năng suất hơn với chất lượng hoàn thiện hơn.

Người lãnh đạo là người sẽ phân bố tiến độ công việc theo những mốc thời gian cụ thể cho từng phần việc. Bởi vậy, họ cũng cần là người biết sắp xếp và quản lý công việc tốt để những thành viên khác có thể hoàn thành công việc đúng hạn mà vẫn đảm bảo được chất lượng công việc.

IMAGE: @ORACLEFOX


4. Có niềm say mê với công việc

IMAGE: @ELIZABETH WIRIJA

Do what you love, love what you do’ (Wayne Walter Dyer - tác giả nổi tiếng về tinh thần và tự lực người Mỹ, đồng thời là một diễn giả truyền động lực) (tạm dịch là: ‘Hãy làm những gì bạn yêu và hãy yêu những gì bạn làm’). Để có thể đạt được những mục tiêu đã đặt ra ban đầu, niềm yêu thích và khao khát mong muốn đạt được kết quả cao là một trong những yếu tố đầu tiên cầnphải có.

Hơn nữa, một nhà lãnh đạo được coi như là một tấm gương để những thành viên trong vòng quản lý của họ noi theo. Bởi lẽ đó, một người lãnh đạo cần phải có niềm say mê với công việc, họ sẽ là người ‘truyền lửa’, truyền nhiệt huyết đến với cấp dưới của họ, tạo động lực cho một tập thể muốn cống hiến nhiều hơn, một môi trường làm việc năng suất và hiệu quả hơn.



5. Có tầm nhìn xa

Yếu tố tiếp theo mà một nhà lãnh đạo giỏi nên có là tầm nhìn tốt. Tầm nhìn sẽ là nguồn động lực thúc đẩy, truyền cảm hứng và khuyến khích cho những thành viên trong team và chính người đứng đầu cùng nhau tiến lên để đạt được. Đương nhiên, mỗi cá nhân trong team sẽ có cách riêng để tự tạo động lực cho mình. Tuy vậy, nếu như cả team có chung một nguồn động lực, chung một tầm nhìn, chung một chí hướng, họ có thể làm việc hiệu quả và hài hoà hơn. Điều này giúp cho người lãnh đạo có thể chèo lái và gây dựng nên một tập thể đoàn kết và vững mạnh.

IMAGE: @DIOR

Nếu một người lãnh đạo không có tầm nhìn, tổ chức sẽ không có định hướng chiến lược phát triển rõ ràng và không thể đặt ra những việc làm hiệu quả để hướng đến một mục đích cụ thể. Bởi lẽ đó, tổ chức đó nói chung và những thành viên trong tổ chức đó nói riêng nếu có thể chỉ hoạt động theo những guồng máy sẵn có. Trong trường hợp này, thành tích tốt nhất mà họ có thể đạt được là bảo toàn những gì mình đã có, trường hợp xấu hơn là có thể đi chậm lại hoặc bị tụt lùi. Không chỉ vậy, họ sẽ khó có thể thu phục hay tạo nên sức ảnh hưởng đối với người khác, điều này có thể gây nên sự trì trệ và có tác động xấu đến sự tương tác để phát triển trong công việc.







6. Tôn trọng đồng nghiệp

Điều cuối cùng, cũng là điều quan trọng nhất, dù mình ở bất kì vị trí nào, tôn trọng mọi người xung quanh chính là tôn trọng chính bản thân mình. Abraham Maslow - một nhà tâm lý học tài ba người Mỹ - đã từng có châm ngôn: ‘We do what we are and we are what we do’ (tạm dịch là: ‘Chúng tôi làm những gì chúng tôi đang có và chúng tôi là những gì chúng tôi làm.’). Tôn trọng những người cấp cao hơn, những người từng trải sẽ giúp chúng ta có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm, tôn trọng người cấp thấp hơn mình sẽ giúp tiếng nói của bạn có trọng lượng hơn. Nếu muốn được người khác tôn trọng mình, mình phải tôn trọng họ trước đã!

IMAGE: @GLAMOUR BRASIL

Việc tôn trọng ý kiến của người khác và lắng nghe quan điểm từ những vị trí khác nhau sẽ là một cơ hội tốt để bạn có cái nhìn khách quan và đa chiều về một vấn đề nào đó và thậm chí là cả bản thân mình nữa. Với tư cách là một nhà lãnh đạo, một nhà cầm quyền, không thể tránh khỏi những lúc chúng mình chưa bao quát và mắc những sai lầm đúng không nào? Tuy vậy, thể hiện sự tôn trọng họ không có nghĩa là bạn nên tuân theo mọi ý tưởng hay đề nghị của những thành viên khác. Bạn là người phụ trách và bạn biết điều gì tốt nhất cho nhóm của bạn, điều này đòi hỏi sự quyết đoán của một người lãnh đạo. Nếu ai đó không đồng ý với bạn, hãy lắng nghe lập luận của họ và sử dụng ý kiến của họ để tinh chỉnh quyết định của bạn. Nếu bạn không thể sử dụng gợi ý của họ, hãy cho họ biết rằng bạn tôn trọng ý kiến của họ, nhưng đang đi theo một hướng khác. Việc được nêu quan điểm và đưa ra cân nhắc cũng giúp cho các thành viên có trách nhiệm với công việc chung hơn đó!


‘Leadership is action, not position.’ (Donald H. McGannon - giám đốc điều hành ngành phát thanh truyền hình trong những năm hình thành của ngành công nghiệp truyền hình tại Hoa Kỳ) (tạm dịch là: ‘Lãnh đạo không phải là một vị trí, lãnh đạo là hành động cụ thể!’). Qua bài viết trên, hy vọng đã giúp bạn hiểu thêm về những hành động cũng như kỹ năng cần và đủ để trở thành một nhà lãnh đạo tốt. Hẹn gặp lại bạn ở những bài viết tiếp theo, những nhà lãnh đạo tài ba tương lai!


144 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page