top of page
  • Ảnh của tác giảVyy Bui

NHỮNG CON ĐƯỜNG SỰ NGHIỆP TRONG NGÀNH THỜI TRANG | P1: CHUYÊN NGÀNH THIẾT KẾ

Đã cập nhật: 3 thg 11, 2021

Ngành thời trang, đúng như mình thường nói, năng động và đa màu sắc. Bạn không nhất thiết phải là một nhà thiết kế, cũng không cần phải là một stylist, người mẫu, hay art director...thì mới có thể hoạt động trong lĩnh vực này. Khi bạn tìm hiểu về mọi khía cạnh của ngành thời trang, bạn sẽ thấy đây là một thế giới rộng mở với rất nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp.


Chỉ cần đủ đam mê, bạn sẽ là một phần ở đó. Có rất nhiều bạn hỏi mình về các vị trí công việc trong ngành này, vậy hãy cùng mình khám phá những lựa chọn sự nghiệp dành cho thời trang nhé!


(Phần 1: Dưới đây là những lựa chọn nghề nghiệp phổ biến dành cho những sinh viên học chuyên ngành thiết kế.)


1. Nhà thiết kế thời trang

Fashion designer


Có lẽ đây là một ngành nghề mà chúng ta đều biết rõ mỗi khi nhắc đến hai chữ “thời trang". Họ là những người nghệ sĩ tạo nên linh hồn cho các bộ trang phục. Một nhà thiết kế thực thụ sẽ luôn truyền tải những thông điệp có chiều sâu vào từng thành phẩm của mình.

IMAGE: Inthefrow

Là một nhà thiết kế, bạn có thể lựa chọn chuyên môn về womenswear, menswear, sportswear, childrenswear hay lingerie.., tuỳ thuộc vào cá tính và sở trường của mỗi người. Ở lĩnh vực này, những nhà thiết kế cần sự bền bỉ để duy trì sức sáng tạo và sự đổi mới qua các bộ sưu tập khác nhau. Lên ý tưởng, sketching, vẽ máy, phát triển thiết kế trên mannequins, chọn chất liệu và lên rập là những công việc thường trực của ‘fashion designers'. Với những khâu liên quan đến sản xuất như may, thiết kế rập thì sẽ có đội ngũ chuyên viên riêng. Nhưng nếu bạn đi theo ngành thiết kế, bạn vẫn cần kiến thức về nó để có thể làm việc với thợ của mình, để điều chỉnh những sai sót trên mẫu thật khi may ra không giống như bản vẽ. Bên cạnh đó, nhà thiết kế thời trang cũng cần có khả năng về visuals để quyết định concept và mood cho photoshoot của các bộ sưu tập. Nếu nói đã có Art director làm công việc này thì cũng không hoàn toàn đúng, bởi chỉ có người thiết kế ra bộ trang phục đó mới có thể hiểu rõ nhất bản thân muốn truyền tải điều gì đến công chúng, từ đó những bên về truyền thông, hình ảnh mới có thể tiếp tục phần việc của mình. Suy cho cùng, là một nhà thiết kế, bạn cũng cần rất nhiều kỹ năng khác ngoài việc lên ý tưởng cho các bộ đồ.


Nhà thiết kế thời trang phối hợp chặt chẽ cùng:

- Nhà dự đoán xu hướng/trend forecaster.

- Nhà thiết kế chất liệu/textile designer.

- Đại lý vải.

- Quản lý sản xuất.

- Creative directors.

- Thợ cắt/may.


2. Trợ lý nhà thiết kế

Design assistant

IMAGE: Inthefrow

Với tư cách là trợ lý của một nhà thiết kế, bạn như người đồng hành với họ trên hành trình hiện thực hoá bộ sưu tập. Kỹ năng của một trợ lý thiết kế có những nét tương đồng với nhà thiết kế thời trang như: chuyên môn về thiết kế thời trang, có kiến thức về may rập, gu thẩm mỹ về màu sắc và xu hướng…Công việc của bạn có thể bao gồm phác thảo những bản vẽ mang chủ đề bộ sưu tập đó, thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về concept, góp sức trong quá trình phát triển trang phục, dựng mẫu mộc hay chuẩn bị vật liệu cho sản xuất. Bên cạnh đó, bạn cũng cần kỹ năng quản lý thời gian nhằm theo dõi tiến độ của bộ sưu tập và hỗ trợ nhà thiết kế xử lý những tình huống cần thiết. Đối với một số thương hiệu, trợ lý nhà thiết kế cũng góp phần quản lý các đầu việc liên quan đến sản xuất và hình ảnh cho bộ sưu tập. Sau một thời gian làm công việc này, nhiều người đã tự đứng lên mở thương hiệu cá nhân sau khi có đủ trải nghiệm.


Trợ lý nhà thiết kế phối hợp chặt chẽ cùng:

- Nhà thiết kế thời trang.

- Quản lý sản xuất.

- Creative director.

- Nhà thiết kế chất liệu.


3. Nhà thiết kế chất liệu

Textile designer

IMAGE: Cosmopolitan Korea

Nhà thiết kế chất liệu, hay còn là Textile designer, thường là cánh tay phải đắc lực cho các nhà thiết kế và thương hiệu thời trang. Công việc của họ là sự tổng hòa của quá trình thiết kế các chi tiết, hoạ tiết trên vải và các khâu xử lý bề mặt như in, dệt, thêu,...Từ các bề mặt sần, nổi, tơ sợi, đến các chi tiết nhuộm mang tính thẩm mỹ cao đòi hỏi kỹ năng và thời gian tỉ mỉ. Phần lớn các kỹ thuật textile trong thời trang được làm bằng tay và có yếu tố thực nghiệm cao (experimental). Song song, bạn cần có kiến thức đa dạng về các loại chất liệu, không chỉ vải may mặc mà những thành tố khác như len, PVC, bông,...


Textile designer phối hợp chặt chẽ cùng:

- Nhà thiết kế thời trang.

- Thợ cắt/may.

- Nhà thiết kế đồ hoạ.

- Nhà diễn hoạ thời trang.


4. Chuyên viên thiết kế rập

Pattern maker


Pattern cutter/grader là những người có chuyên môn cao về rập may. Đối với sinh viên thiết kế thời trang, không phải ai cũng gặp khó khăn với môn học này. Những bạn có khả năng hay thực sự có hứng thú với pattern making thì sẽ rất yêu thích công việc này. Biết đâu bạn cũng sẽ như vậy khi tiếp cận nó thì sao? Là một pattern cutter, bạn cần có tư duy logic về hình phẳng và có thể sử dụng thành thạo các kỹ năng của môn computer aided design (CAD). Trước khi dựng rập, bạn cần trao đổi thật kĩ về cấu trúc trang phục với nhà thiết kế, nhảy size sao cho hợp lý với tập khách hàng. Những bạn đam mê ngành này cũng có xu hướng trở thành giáo viên rập, mở các lớp học về rập cho sinh viên thiết kế thời trang.


IMAGE: Eunice J.Dunmade

Pattern cutter phối hợp chặt chẽ cùng:

- Nhà thiết kế thời trang.

- Thợ may, thợ cắt.

- Nhà thiết kế đồ hoạ.


5. Nhà diễn hoạ thời trang

Fashion illustrator


IMAGE: Chris Pack

Nhà diễn hoạ thời trang - Fashion illustrator cũng là một trong những cánh tay đắc lực cho các nhà thiết kế. Đối với những nhà thiết kế không mạnh về diễn hoạ nhưng lại cần những bản mẫu hoàn chỉnh, sạch đẹp để có thể làm việc cùng đối tác, khâu sản xuất, làm hình ảnh, truyền thông...họ sẽ cần tìm đến những bên chuyên vẽ minh hoạ để có thể truyền đạt ý tưởng một cách tốt nhất. Đối với những bạn yêu thích thời trang, có gu thẩm mỹ và khả năng vẽ tốt, đây cũng là một công việc lý tưởng để tiếp cận với thế giới thời trang. Là người đảm nhận công việc tái hiện lại những thiết kế có sẵn, bạn như kết nối thời trang và hội họa. Công việc của bạn là vẽ và vẽ, vì thế để trở thành một họa sĩ diễn họa thời trang không nhất thiết phải có tư duy thiết kế trang phục, chỉ cần hiểu một cách căn bản về phom dáng, cấu trúc trang phục, chất liệu và màu sắc để có thể truyền tải ý tưởng của nhà thiết kế thành các bức họa.


Nhà diễn hoạ thời trang phối hợp chặt chẽ cùng:

- Nhà thiết kế thời trang.

- Chuyên viên trưng bày (visual merchandiser).

- Nhà thiết kế đồ hoạ.


6. Quản lý sản xuất

Fashion production manager

IMAGE: Paule Ka

Đối với các thương hiệu thời trang, người đảm nhiệm vị trí quản lý sản xuất sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ về chất lượng đầu ra sản phẩm. Họ là người trực tiếp đi thu thập các chất liệu vải phù hợp với bộ sưu tập và chỉ đạo, thúc đẩy tiến độ các khâu sản xuất như may, rập, dựng mộc và mô hình phụ kiện (giày, túi, khuyên) sao cho có sự phối hợp ăn ý nhất. Với công việc này, kiến thức về thiết kế và cấu trúc trang phục, phụ kiện và chất liệu rất quan trọng, bởi họ cần đảm bảo thành phẩm ở thực tế có sự đồng nhất với ý tưởng gốc. Ngoài ra, quản lý sản xuất cũng góp phần điều hành và quyết định tính hiệu quả hoặc bền vững của sản phẩm. Họ cần khả năng quản lý tài chính tốt để kiểm soát chi phí sản xuất cho bộ sưu tập. Ở một số thương hiệu, nhà quản lý sản xuất và nhà thiết kế có thể là cùng một người.


Quản lý sản xuất phối hợp chặt chẽ cùng:

- Thợ cắt/may.

- Nhà thiết kế thời trang.

- Quản lý xưởng may.

- Xưởng sản xuất phụ kiện.


7. Nhà thiết kế phục trang

Costume designer


Costume designer cũng là một lĩnh vực được nhiều bạn trẻ yêu thích và quan tâm. Đó là những nhà thiết kế và cung cấp trang phục cho các vở kịch, buổi dạ hội hay lễ hội. Họ cần nắm rõ những nội dung về kịch bản, tính cách nhân vật, concept buổi dạ hội, vở diễn để có thể lên ý tưởng một cách chính xác nhất. Ở một khía cạnh khác, bạn chính là quản lý tủ đồ của những đoàn kịch, phim trong các sân khấu lớn nhỏ. Để làm công việc này, bạn cần những kiến thức về phom dáng, chất liệu, styling và cả lịch sử/bối cảnh thời trang (contextual studies). Bạn chính là người phần lớn vào việc tạo hình nhân vật, nếu không thực sự am hiểu về kịch bản và ngữ cảnh, cũng như các kiến thức xã hội ảnh hưởng đến thời trang, bạn sẽ chưa thể làm tốt công việc này.


Costume designer phối hợp chặt chẽ cùng:

- Rạp chiếu phim/nhà hát ca múa kịch /đài truyền hình/các sân khấu/ban tổ chức lễ hội...

- Thợ cắt/may.

- Đại lý vải.

- Quản lý trang phục (wardrobe assistant).

IMAGE: Dior

8. Nhà thiết kế trang sức

Accessories designer


Nhà thiết kế phụ kiện thường chịu trách nhiệm về việc lên ý tưởng, phát triển và tạo ra các thiết kế của đồ trang sức, túi xách, mũ, thắt lưng, găng tay, khăn quàng cổ, những thành tố được sử dụng để làm điểm nhấn cho trang phục. Trong quá trình học thiết kế, sẽ có những bạn nhận ra thiên hướng của mình không hoàn toàn nghiêng về quần áo mà thường sáng tạo ra những bộ sưu tập nặng về phụ kiện, các chi tiết tháo rời...Để làm tốt công việc này, bạn cần có kiến thức về các phong cách thời trang, xu hướng, cũng như thẩm mỹ về màu sắc, chất liệu. Từ đó, những nhà thiết kế phụ kiện mới có thể mang đến những món đồ phù hợp, tạo nên sự hoàn thiện cho set đồ. Đây là một ngành nghề rất quan trọng trong lĩnh vực thời trang, thực tế đã chứng minh rằng, một bộ trang phục có thể được nâng cấp đến bất ngờ khi phối ăn ý cùng phụ kiện. Đó cũng là những sản phẩm đang và sẽ luôn được săn đón đối với cả nam và nữ.


IMAGE: Schiaparelli

Nhà thiết kế trang sức làm phối hợp chặt chẽ với:

- Nhà thiết kế thời trang.

- Trend forecasters.

- Nhà thiết kế đồ hoạ.

- Xưởng, thợ dựng mô hình trang sức.

- Stylist.


9. Stylist thời trang

Fashion stylist


Nghề Stylist thường phổ biến với những bạn học truyền thông & marketing thời trang, bởi nó liên quan rất nhiều đến khâu sản xuất hình ảnh. Tuy nhiên, trên quan điểm cá nhân của mình, công việc stylist cũng hoàn toàn phù hợp với những bạn học bằng thiết kế, thậm chí là rất nhiều. Nếu bạn có chuyên môn về thiết kế thời trang, đó cũng là một lợi thế lớn khi bạn hội tụ nguồn kiến thức phong phú và chuyên sâu về từng phong cách, phom dáng quần áo, phụ kiện, concept bộ ảnh thời trang đến ý thức về sự phù hợp của chúng trên từng kiểu dáng cơ thể con người. Bởi sau một thời gian học thiết kế, sẽ có những người nhận ra bản thân mình thích việc phối hợp các mẫu trang phục với nhau hơn là tự mình tạo ra chúng. Những sự am hiểu trong thiết kế sẽ giúp một stylist trở nên vô cùng thành thạo trong việc phối đồ và lên ý tưởng trang phục cho các chiến dịch quảng bá thương hiệu. Trong quá trình thực hiện các đồ án thiết kế, kinh nghiệm xây dựng ý tưởng cho photoshoot cũng sẽ giúp bạn có kinh nghiệm làm việc với các ekip chụp hình. Đa số các nhà thiết kế thời trang thường đồng thời làm stylist cho bộ sưu tập của mình. Có thể thấy, ngành thời trang năng động vì một mình bạn có thể đảm nhiệm nhiều vai trò cùng một lúc.

IMAGE: Anine Bing

Stylist cần phối hợp chặt chẽ với:

- Nhà thiết kế thời trang.

- Photographers.

- Influencers.

- Creative director.

- Make Up Artists.

- Brand manager.
















425 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page