top of page
  • Ảnh của tác giảVyy Bui

NHỮNG CON ĐƯỜNG SỰ NGHIỆP NGÀNH THỜI TRANG | P2: CHUYÊN NGÀNH MARKETING

Ngành thời trang, đúng như mình thường nói, năng động và đa màu sắc. Bạn không nhất thiết phải là một nhà thiết kế, cũng không cần phải là một stylist, người mẫu, hay art director...thì mới có thể hoạt động trong lĩnh vực này. Khi bạn tìm hiểu về mọi khía cạnh của ngành thời trang, bạn sẽ thấy đây là một thế giới rộng mở với rất nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp.


Chỉ cần đủ đam mê, bạn sẽ là một phần ở đó. Có rất nhiều bạn hỏi mình về các vị trí công việc trong ngành này, vậy hãy cùng mình khám phá những lựa chọn sự nghiệp dành cho thời trang nhé!


(Phần 2: Dưới đây là những lựa chọn nghề nghiệp phổ biến dành cho những sinh viên học chuyên ngành marketing.)


1. Chuyên viên marketing:

Marketing manager

Marketing director


Là một nhân viên/trợ lý marketing cho thương hiệu thời trang, bạn sẽ tham gia vào tất cả những công việc liên quan đến mảng truyền thông như lên chiến lược quảng bá thương hiệu, làm marketing plan, lập kế hoạch hợp tác cùng KOLs, influencers. Ngoài ra, bạn cũng soạn thông cáo báo chí để làm truyền thông cho các bộ sưu tập mới ra mắt (lookbook, campaign,...). Bạn cần nắm rõ sứ mệnh của thương hiệu, hay mình còn gọi là missions & visions, nhằm giúp nhà thiết kế truyền đạt điều đó đến công chúng một cách hiệu quả. Công việc trợ lý marketing yêu cầu kỹ năng viết khá nhiều, với kinh nghiệm gần một năm làm công việc này của mình, đã rất nhiều lần mình phải viết content cho bộ sưu tập, mô tả sản phẩm và chi tiết thiết kế. Trong quá trình đó, mình cần điều chỉnh văn phong khá nhiều để hợp với tone of voice của thương hiệu. Hơn nữa, mình cũng lên những bản kế hoạch cho sự kiện như show diễn, truyền thông hình ảnh và chiến dịch cho social media của thương hiệu. Hiện nay, mình đang phụ trách hai nền tảng instagram và pinterest tại nơi mình làm. Thực sự, ở vị trí này mình đã học hỏi được rất nhiều và mong rằng trong tương lai ngành truyền thông & marketing thời trang sẽ còn phổ biến hơn nữa ở các trường thời trang tại Việt Nam.

Nhân viên marketing phối hợp chặt chẽ cùng:

- Nhà thiết kế thời trang/chủ thương hiệu

- Báo chí

- Influencers

- Sales

- Khách hàng.


IMAGE: Office x Sicky


2. Chuyên viên thu mua

Fashion buyer

Fashion buyer, hay còn là người thu mua sản phẩm là công việc vô cùng quan trọng và phổ biến ở các thương hiệu thời trang bán lẻ, có nguồn nhập hàng, đặc biệt là những nơi bán đồ cao cấp. Họ là những cá nhân sẽ chịu trách nhiệm lựa chọn và đặt hàng các sản phẩm thời trang để bán cửa hàng. Đây sẽ là những cá nhân đại diện cho thương hiệu để tìm kiếm và đặt mua những món đồ mà theo họ, chúng có khả năng mang lại lợi nhuận tốt nhất cho một cửa hàng, khu vực và nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu của thương hiệu đó. Công việc trên đòi hỏi khả năng cập nhật xu hướng, phong cách và kiến thức kinh doanh nhạy bén, nhằm định giá và phân tích những item phù hợp với thương hiệu. Bên cạnh đó, chuyên viên thu mua cũng cần nắm rõ tâm lý khách hàng và có kỹ năng nghiên cứu tốt. Họ sẽ lên kế hoạch trưng bày sản phẩm cùng chuyên viên bán hàng (merchandiser) để tạo nên cái nhìn cuốn hút cho tổng thể cửa hàng.


Fashion buyer phối hợp chặt chẽ cùng:

- Xưởng, nhà máy thời trang.

- Đại lý phân phối trang phục.

- Nhà thiết kế thời trang.

- Sales.

- Nhà dự đoán xu hướng

IMAGE: C.dam/ LVMH/ Office Snapshots


3. Giám đốc sáng tạo

Creative director


Hẳn đây là một công việc đã không còn xa lạ đối với những bạn trẻ yêu thích thời trang, chúng ta thường nghe đến cụm từ “Creative Director" rất nhiều ở các bộ hình, campaign, lookbook và báo thời trang. Đây là công việc có sự kết nối trực tiếp với lĩnh vực Fashion Photography, một giám đốc sáng tạo sẽ thường xuyên làm việc cùng các ekip chụp hình và lên toàn bộ ý tưởng về concept, mood và props sao cho phù hợp với bộ sưu tập của nhà thiết kế. Để làm công việc này, bạn cần các kỹ năng về branding, truyền thông hình ảnh và cả styling, kiến thức về xu hướng thời trang. Có thể nói, hình ảnh là một trong những yếu tố cốt lõi để làm truyền thông hiệu quả cho một thương hiệu thời trang. Họ cần hiểu rõ về thị trường, đối tượng khách hàng (target customers) nhằm mang đến những concept, hình ảnh phù hợp. Là một Creative Director, bạn góp phần làm nên ‘bộ mặt' cho thương hiệu mà bạn hợp tác cùng.


IMAGE: Chats by C.dam


Creative director phối hợp chặt chẽ cùng:

- Nhà thiết kế/chủ thương hiệu.

- Nhiếp ảnh gia, ekip quay/chụp.

- Stylist.

- Make-Up Artist.

- Nhà thiết kế đồ hoạ.

- Quản lý studio.


4. Chuyên viên trưng bày

Visual Merchandiser


Ở bài viết trước, mình từng đề cập đến môn học Visual Merchandising của ngành Truyền thông & Marketing thời trang. Đối với những thương hiệu thời trang có tiếng, thiết kế cửa hàng và trưng bày sản phẩm sao cho bắt mắt là một trong những điều cốt lõi để thu hút khách hàng. Bạn cần làm những nghiên cứu về màu sắc, chất liệu kiến trúc và cả tính thẩm mỹ về styling. Một chuyên viên trưng bày cần hiểu rõ về concept và sứ mệnh thương hiệu mà mình làm việc cùng để thiết kế cửa hàng và lựa chọn nội thất, cách trưng bày phù hợp.


IMAGE: Gucci

Công việc trên yêu cầu sự sáng tạo, kỹ năng giao tiếp tốt, khả năng làm việc theo nhóm và tính linh hoạt. Đối với những khoảng thời gian khuyến mãi, ra mắt bộ sưu tập mới theo mùa, visual merchandiser cần thay đổi thiết kế không gian thời trang một cách hợp lý với chủ đề. Đối với việc thiết kế không gian trưng bày, bạn cũng cần lên những bản sketch ý tưởng, quá trình R&D (research & development) cũng tương đương thiết kế thời trang, nhưng không ở khía cạnh trang phục.


Visual merchandiser phối hợp chặt chẽ cùng:

- Người thu mua thời trang/fashion buyer.

- Nhà thiết kế thời trang.

- Quản lý thương hiệu.

- Chuyên viên marketing.


5. Phóng viên thời trang

Fashion journalist

Để trở thành một phóng viên thời trang, bạn cần phải có gu thẩm mỹ tốt và tầm nhìn rộng lớn, mới mẻ về thời trang. Bạn không nhất thiết phải xuất phát điểm từ ngành thời trang nhưng cần có những sự nghiên cứu, tìm hiểu nhất định về nó nhằm cung cấp cho bạn đọc những thông tin thời trang mới nhất và đúng với nhiều phong cách thời trang khác nhau.

IMAGE: Vogue


Bạn sẽ đưa ra những quan điểm, bình luận, bảng xếp hạng thời trang và tin tức đang được chú ý về thời trang. Bạn có thể là tác giả của những bài viết về xu hướng, phong cách nhân vật nổi tiếng, nhà thiết kế thời trang, hay là những người chụp ảnh, ghi hình lại sự kiện làm nguyên liệu truyền thông. Điều quan trọng là bạn luôn cần cập nhật những tin tức mới nhất về thời trang, để ý những phong cách ấn tượng của influencers khi xuất hiện trên mạng xã hội và tập hợp ảnh, bài viết về họ. Để làm công việc này, bạn cần theo dõi tài khoản cá nhân của celebrity, KOLs, influencers, các kênh báo thời trang trong và ngoài nước, hay những trang thông tin về thời trang trên Facebook như Maybe We Should Talk ‘Bout Fashion; Maybe You Missed This Trendy Outfit; Stylist Viet Nam;...Ngoài ra, bạn cũng sẽ có cơ hội làm quen với việc phỏng vấn người nổi tiếng theo nhiều phương thức như truyền hình, tin nhắn, quay video hay gặp trực tiếp.


Hiện nay, mình đang làm quen với những công việc này khi làm cộng tác viên chuyên mục thời trang của báo Vietnamnet.vn, mình đã học hỏi được rất nhiều và có thêm vốn từ chuyên ngành.

Fashion editor phối hợp chặt chẽ cùng:

- Biên tập viên tổng.

- Ekip quay/chụp.

- KOLs, influencers.

- Blogger thời trang.

- Nhà thiết kế thời trang.








IMAGE: Vogue/ Flipsnack


6. Blogger thời trang

Fashion Blogger


Chắc hẳn đây một công việc đã không còn xa lạ gì với chúng ta, blogger thời trang là những cá nhân truyền cảm hứng về phong cách phối đồ, hay những kiến thức về thời trang đến công chúng. Để có thể trở thành một blogger thời trang, đầu tiên, bạn cần định hình chủ đề và tính cách xuyên suốt blog của mình. Bạn sẽ làm blog về styling, thời trang bền vững, streetwear hay tri thức? Để có thể làm một blogger thời trang, bạn cần trang bị kiến thức cho bản thân ở những mảng nhất định và dám nói lên quan điểm cá nhân và suy nghĩ của bản thân về các vấn đề liên quan đến thời trang. Công việc của một fashion blogger là thường xuyên cập nhật những nội dung hấp dẫn, trending về tin tức thời trang, phong cách ăn mặc, các thương hiệu, sản phẩm làm đẹp uy tín và chia sẻ những trải nghiệm cá nhân trong ngành thời trang. Họ là những người có tầm ảnh hưởng lên phong cách sống của người theo dõi và thường mang nguồn năng lượng tích cực, thân thiện đến cộng đồng. Là một blogger, bạn cũng cần xác định được giá trị mà mình sẽ mang lại cho độc giả của mình. Để có thể thành công ở lĩnh vực này, bạn cần nắm rõ tâm lý của đối tượng mình hướng đến nhằm mang lại những nội dung phù hợp và hữu ích. Tần suất về nội dung cũng được yêu cầu rất cao, bởi cô giáo mình đã có một câu “Fashion does not wait" (thời trang không chờ đợi một ai). Nếu bạn không làm mới nội dung, không ra nội dung thường xuyên, sẽ rất khó để tiếp tục phát triển với kênh blog của mình.


Blogger là một nghề tự do, bạn có thể hoạt động một mình nhưng cũng có thể phối hợp ăn ý cùng:

- Nhà thiết kế/thương hiệu thời trang.

- Báo chí.

- Chuyên viên marketing.

- Stylist.

- Creative director.


IMAGE: Inthefrow


IMAGE: Paule Ka

7. Quản lý thương hiệu

Brand manager


Là một trong những công việc khá phổ biến khi học Marketing thời trang, một nhân viên quản lý thương hiệu sẽ có trách nhiệm theo dõi, đo lường doanh thu hàng ngày, cũng như lượt tương tác của khách hàng trên các nền tảng mạng xã hội. Từ đó, họ điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cũng như chiến lược quảng bá sản phẩm sao cho hợp lý hơn, thu hút được nhiều đối tượng hơn. Bên cạnh đó, quản lý thương hiệu cũng cần nắm được danh sách KOLs, influencers tiềm năng có thể hợp tác và họ thường là đại diện cho thương hiệu đi gặp gỡ khách VIP, các bên đối tác.






IMAGE: Paule Ka

Để làm tốt công việc này, bạn cần cả kỹ năng truyền thông và kinh doanh nhạy bén, đồng thời hiểu rõ ‘brand missions'. Kỹ năng nghiên cứu, định giá và quản lý sự kiện, sử dụng nhân sự cũng vô cùng quan trọng đối với một brand manager. Có thể nói, họ quản lý và điều phối linh hoạt các chiến dịch marketing - sale cho thương hiệu. Ở nhiều cửa hàng, brand manager cũng tham gia vào quá trình nghiên cứu xu hướng và làm truyền thông hình ảnh.


Brand manager phối hợp chặt chẽ cùng:

- Nhà thiết kế.

- Nhân viên sale.

- Chuyên viên marketing.

- Đội ngũ bán hàng.

- Báo chí.

- Creative director.




8. Chuyên viên Digital Marketing

Digital Marketing manager/director


Đối với công việc trên, bạn sẽ làm việc chuyên sâu với những chiến dịch truyền thông thời trang qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Pinterest, Tik Tok hay website. Mỗi nền tảng trên đều có những tính chất khác nhau, vai trò khác nhau và cách làm marketing cũng vậy. Để có thể làm tốt ở vị trí này, bạn cần dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu cách vận hành của từng nền tảng (các chiến dịch quảng bá, công năng, SEO, đối tượng và độ tuổi sử dụng phổ biến…). Đặc biệt, tất cả những yếu tố đó cần phù hợp với thương hiệu thời trang mà bạn làm việc cùng. Có những thương hiệu sẽ phát triển tốt nhất trên Facebook bởi phong cách trưởng thành, sang trọng và đắt tiền. Còn Instagram là nơi mang nhiều xu hướng thời trang trẻ trung hơn, cá tính hơn bởi đó là ứng dụng phổ biến với Gen Z. Công việc này yêu cầu những kỹ năng về xây dựng content, sự thông thạo về công nghệ và tính linh hoạt, sáng tạo.


Digital marketer phối hợp chặt chẽ cùng:

- Nhà thiết kế thời trang.

- Chuyên viên marketing.

- Nhân viên sale.

- Art director.

- Nhà thiết kế đồ hoạ.


IMAGE: Chloé/ Valentino

124 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page