top of page
  • Van Trang Nguyen Ngoc

LÀM SAO ĐỂ KIỀM CHẾ CƠN NÓNG GIẬN?

Tức giận là một trạng thái cảm xúc hết sức bình thường và thường thấy của con người. Tuy vậy, thường xuyên có cảm giác khó chịu và hay cáu gắt được coi như một bệnh liên quan đến một loạt vấn đề sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của chúng ta. Bởi lẽ đó, bài viết hôm nay sẽ đưa ra một vài cách giải quyết giúp chúng ta kiềm chế những cơn tức giận không cần thiết nhé!

IMAGE: BEHANCE

Hít thở thật sâu

Mỗi khi tức giận, chúng ta thường có xu hướng thở nhanh và gấp gáp hơn. Điều này vô tình đã đẩy chúng ta vào trạng thái cảm giác như có gì đó đốc thúc, cần phải hành động ngay. Bởi vậy, chúng ta thường sẽ có những hành động bộc phát, thiếu cân nhắc và không có đủ thời gian để suy nghĩ về hậu quả của hành động của mình.

IMAGE: LA COOL & CHIC

Để đối phó với điều này, việc đầu tiên chúng ta cần làm là hít thở thật chậm, thật sâu. Áp dụng bài tập thở bằng cơ hoành (hít thở bằng bụng) là cách kiềm chế cơn giận hiệu quả giúp chúng ta lấy lại sự bình tĩnh.


"Trong cái rủi có cái may"

Sau khi đã hít thở thật sâu và bình tâm lại, việc tiếp theo chúng ta cần làm đó là chủ động điều hướng lại luồng suy nghĩ của chúng ta. Khi nóng giận, chúng ta sẽ bị ảnh hưởng bởi một nguồn năng lượng tiêu cực, từ đó suy diễn linh tinh, quan trọng hoá và tiêu cực hoá mọi thứ trong khi mọi chuyện không hề tồi tệ đến vậy. Mỗi khi gặp chuyện gì không ưng ý, chúng ta hãy cố gắng tạo nên một cái nhìn đa chiều và tập trung vào những khía cạnh tích cực của vấn đề. Ví dụ, nhờ những sai lầm mà chúng ta có thể có những bài học, từ đó rút kinh nghiệm để không vướng phải những sai lầm đó nữa.


IMAGE: BEHANCE

Một cách khác để không suy nghĩ tiêu cực đó là cố gắng nghĩ về những điều tích cực khác, những điều đã khiến bạn vui vẻ trong quá khứ hoặc những người mà bạn yêu thương. Việc suy nghĩ đến những điều tích cực khác không phải là trốn tránh, mà là tạo cho bản thân thời gian để tạm dừng nghỉ ngơi trước khi lún chân quá sâu vào vũng bùn tiêu cực. Sau khi đã giữ cho bản thân một tâm thế tích cực, chúng ta có thể nhìn lại vấn đề theo một cách khác.


Tập trung vào cách giải quyết vấn đề

Chúng ta cần phải xác định một tâm lý rằng: ai cũng có sai sót, ai cũng có thể mắc sai lầm. Cho dù chúng ta có tức giận, cáu gắt bản thân hay đổ lỗi cho những người xung quanh thì cũng không thể thay đổi được quá khứ đã diễn ra, không thể thay đổi được kết quả mà chúng mang lại, thậm chí còn mất thêm thời gian và công sức nữa. Bởi lẽ vậy, thay vì để một cảm xúc tiêu cực làm ảnh hưởng đến bản thân và những người xung quanh, chúng ta nên ngồi lại nói chuyện với nhau và tập trung vào giải quyết được khúc mắc tồn đọng và cố để cải thiện tình hình trong khả năng của chúng ta.

IMAGE: ELLE JAPAN

Để kiểm soát được cơn tức giận, chúng ta cần phải hiểu được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề ở đâu. Việc này mang đến rất nhiều lợi ích cho chúng ta. Đầu tiên, việc này giúp chúng ta một lần nhìn lại sự việc từ ban đầu, giúp cho chúng ta có cái nhìn rộng và khách quan hơn. Từ đó, chúng ta cũng có thể tìm ra được cách giải quyết từ những chi tiết nhỏ trong sự việc, từ đó giải quyết được một vấn đề lớn.


Vận động

Việc ngồi yên một chỗ có thể là nguyên nhân khiến bạn không thể thoát khỏi trạng thái tức giận. Có một cách để giúp bạn thay đổi trạng thái cảm xúc, đó chính là thay đổi không gian xung quanh. Thay vì ngồi nhìn bốn bức tường, hãy thử ra ngoài hoạt động như đi bộ, tập vài động tác yoga thư giãn hoặc thậm chí là nhảy và hát theo nhạc. Khi tâm trí tập trung vào sự di chuyển, chúng ta sẽ có xu hướng tạm ngừng quá bận tâm đến những chuyện khiến mình cảm thấy căng thẳng hoặc tức giận nữa. Hơn nữa, việc vận động cũng là một cách để giải toả hết sự tức giận qua bên ngoài.


Ngoài ra, đôi khi khoảng thời gian vận động cũng là một cơ hội để chúng ta tư kiềm hãm bản thân khỏi những hành động và lời nói không mong muốn, có thể tổn thương những người xung quanh. Trong lúc vận động, chúng ta cũng có thể kéo dài thêm thời gian để ngẫm nghĩ thêm về những khúc mắc còn tồn đọng nữa đó.


IMAGE: LUND LUND

Và đó là 4 cách để có thể kiềm chế được những cơn tức giận của bản thân. Dân gian chúng ta có câu “cả giận mất khôn". Mong rằng chúng ta sẽ không để cơn tức giận xâm chiếm cảm xúc quá lâu, từ đó mất đi lý trí và mất đi những mối quan hệ một cách không đáng!


15 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page