top of page
  • Ảnh của tác giảVyy Bui

CÁC KỸ NĂNG CẦN THIẾT KHI HỌC THIẾT KẾ THỜI TRANG

Là một người có niềm đam mê với Thiết kế Thời trang, chắc hẳn bạn từng tự đặt ra những câu hỏi: học ngành này cần những gì? nó đòi hỏi kỹ năng gì và mình nên chuẩn bị ra sao? Trong bài viết ngày hôm nay, mình sẽ giải đáp về những kỹ năng cần có khi bạn muốn trở thành một nhà Thiết kế Thời trang hoặc đang có ý định theo học ngành này nhé!

@IMAGE: GFF 2020 PORTFOLIO

1. KHẢ NĂNG SÁNG TẠO & THIÊN HƯỚNG NGHỆ THUẬT

Sáng tạo thực sự chưa bao giờ là điều dễ dàng, đặc biệt, khi bạn theo ngành nghệ thuật nói chung hat thời trang nói riêng, bạn không những cần sáng tạo mà cần cả yếu tố đổi mới và tính cập nhật. Hầu hết tâm lý của các nhà thiết kế nổi tiếng khi ra mắt BST của mình, họ đều kỳ vọng những ý tưởng cá nhân sẽ mang đến sự đột phá cùng tính tiên phong, đi trước thời đại. Đây không phải sự kỳ vọng một chiều, bởi chính công chúng và những người chiêm ngưỡng BST cũng mong đợi một điều gì đó thú vị, bứt phá ở lĩnh vực thời trang.

IMAGE: @BORIS PEIANOV

Theo học thiết kế thời trang, bạn cần có tư duy sáng tạo để phân tích các xu hướng thời trang hiện tại và kết hợp với quá trình tự nghiên cứu để đưa ra những ‘phát minh' mới lạ hơn. Bí ý tưởng không có nghĩa là bạn không có khả năng sáng tạo. Đây là điều hiển nhiên cần xảy ra để mỗi cá nhân có cơ hội hiểu bản thân mình hơn. Vậy nên đừng vội nản chí khi bạn chưa cảm thấy tự tin vào sức sáng tạo của mình nhé! Nhiều nhà thiết kế thời trang đã từng có sự nghiệp khác như là một kiến ​​trúc sư, nhà thiết kế đồ họa hay trong các lĩnh vực liên quan khác trước khi chuyển sang thời trang. Nhiều kỹ năng nghệ thuật là bẩm sinh và không thể được dạy. Tuy nhiên, các lớp học chính thức và thực hành hàng ngày có thể giúp bạn nâng cao kỹ năng của mình.


Để có một con đường sự nghiệp nổi bật, các nhà thiết kế không ngừng trau dồi bản thân mỗi ngày. Họ cần thường xuyên cập nhật tin tức về ngành, về xu hướng và cả các đối thủ. Bên cạnh đó, sức sáng tạo của bạn cũng cần mang tính cá nhân hoá. Nếu bạn không tạo ra thứ chỉ mình bạn có, mang dấu ấn về phong cách của bạn thì đó chưa phải là sự sáng tạo.


Tuy nhiên, việc trùng lặp ý tưởng cũng diễn ra rất nhiều một cách vô tình và điều này là hoàn toàn bình thường. Mình đã từng phân biệt cho mọi người hai khái niệm trùng lặp và đạo nhái khác nhau ra sao. Chính vì vậy, mọi người hãy cứ vững tin rằng nếu bạn thực sự có đam mê và tinh thần học hỏi, khả năng sáng tạo chắc chắn sẽ cải thiện từng ngày.


2. KHẢ NĂNG QUAN SÁT

Hầu hết những nhà thiết kế nổi tiếng hay sinh viên ngành Thiết kế Thời trang đều có một đặc điểm chung, đó là họ rất kỹ tính. Đối với một số người, đó là khả năng bẩm sinh, là tính cách từ nhỏ nhưng đối với một số người khác, sự quan sát cần được luyện tập theo thời gian.

IMAGE: @DOLCE&GABBANA

IMAGE: @WELOVEGLASSES

Các chi tiết trong thời trang có sự liên quan mật thiết đến yếu tố sáng tạo của từng bộ trang phục. Nếu bạn không để ý đến những chi tiết nhỏ trong cuộc sống hay trong concept bạn lựa chọn, sẽ rất khó để chọn lọc những thành tố thú vị, độc đáo làm nguyên liệu sáng tạo. Một nhà thiết kế thời trang cần có sự nhạy cảm nhất định đối với các chi tiết, bởi đối với ngành này, “God is in the details" - Ludwig Mies van der Rohe. Bạn cần luyện tập khả năng quan sát để có thể nhận thấy những chi tiết này, cho dù nhỏ đến đâu. Cho dù đó là màu sắc, hoa văn, thiết kế đường khâu hay thậm chí là cách trang điểm của người mẫu, một nhà thiết kế thời trang nên học cách để ý và điều chỉnh những chi tiết này để tạo ra tính thẩm mỹ mong muốn.


Khi kỹ năng quan sát đạt đến một giới hạn nào đó, bạn sẽ trở thành người khá cầu toàn đối với những tác phẩm của mình. Bạn không chỉ quan sát để thu thập những điều mới mẻ về BST của mình mà bạn còn quan sát để hoàn thiện những điều dở dang và khiến chúng trở nên đẹp và đẹp hơn nữa.


3. VẼ MINH HOẠ & KỸ NĂNG XỬ LÝ HÌNH ẢNH

Học thiết kế Thời trang, mình vẫn luôn nói rằng bạn không cần vẽ quá đẹp và chúng ta không cần căng thẳng về khả năng vẽ diễn hoạ. Tuy nhiên, việc minh hoạ được ý tưởng của bản thân vẫn là yếu tố quan trọng để hình thành một BST. Các nét vẽ của bạn vẫn cần cân xứng ở một mức nhất định theo tỷ lệ để người khác vẫn có thể hiểu được. Bạn có thể không cần đi sâu vào nét vẽ chi tiết, bạn có thể phác thảo một cách phóng khoáng nhưng bạn phải hình dung được thiết kế đó sẽ ra sao ở ngoài đời thực. Đó chính là kỹ năng xử lý hình ảnh.


Ngoài ra, khả năng xử lý hình ảnh còn hàm ý về cách bạn lựa chọn những hình ảnh truyền cảm hứng cho concept. Ở bài viết “Các bước thực hiện một BST Thời trang", mình có đề cập việc khéo léo lựa chọn những tấm hình mô tả cảm hứng của bạn để làm nguyên liệu sáng tạo. Nếu đó là những hình ảnh đẹp, chất lượng thì nó sẽ quyết định tính visual tương tự cho BST và ngược lại. Đối với mình, tất cả những kỹ năng liên quan đến hình ảnh đều không thể hoàn hảo trong ngày một, ngày hai. Để có một mắt nghệ thuật tinh tế và nhìn ra được những chi tiết đắt giá, hình dung được những thứ cầu kỳ, tư duy được hình khối,...đều cần cả quá trình để tôi luyện. Cá nhân mình cũng đã cố gắng rất nhiều để có một cái nhìn sắc sảo hơn khi chọn lọc hình ảnh. Quá trình này sẽ còn kéo dài chừng nào mình vẫn tiếp tục theo đuổi ngành này, ngay cả về sau khi mình đã trưởng thành. Tại mỗi một thời điểm, tư duy về hình ảnh của ta sẽ khác biệt dựa theo thị trường và xu hướng tâm lý khách hàng.

IMAGE: @BEHANCE


Mình sẽ không phân tích sâu vào kỹ năng vẽ diễn hoạ bởi đó không phải yếu tố quyết định bạn là một NTK giỏi hay không đâu! Bạn có thể vẽ tay, cũng có thể vẽ máy, nhưng hãy chọn phương án phù hợp và thuận lợi nhất với cá nhân bạn nhé! Thời gian đầu mình thường vẽ tay nhưng về sau khối lượng công việc nhiều lên khiến mình khá bận rộn, sketchbook A3 nên khá nặng, mình không thể mang đi mọi nơi. Lúc đó mình chuyển sang vẽ máy bằng ipad và bút apple pencil, mình thấy đó là khoản đầu tư đúng đắn nhất kể từ khi mình học thiết kế thời trang.


4. KIẾN THỨC VỀ CHẤT LIỆU

Là một nhà thiết kế thời trang, đây là kỹ năng vô cùng quan trọng bởi nó sẽ quyết định bộ trang phục của bạn có đúng với bản vẽ hay không. Nếu bạn chọn sai chất liệu, có rất nhiều sự cố đáng tiếc có thể xảy ra như: lên không đúng form đồ; lệch tông màu; hỏng cấu trúc và tỷ lệ…Mỗi loại chất liệu bạn lựa chọn cần phù hợp với tính cách BST và đảm bảo sẽ diễn tả được đúng phom dáng đó. Ví dụ, nếu thiết kế của bạn có phom dáng phồng to, cứng cáp thì chất liệu cũng nên dày dặn và nếu vẫn không đủ đáp ứng thì bạn cần ép thêm lớp lót hoặc mếch, tùng…


IMAGE: @FASHIONNETWORK

Biết cách lựa chọn và sử dụng nhiều loại vải là điều tối quan trọng để thành công với tư cách là một nhà thiết kế thời trang. Bạn phải hiểu các kết cấu khác nhau và cách chúng kết hợp với nhau, những thách thức tiềm ẩn khi làm việc với một số loại vải nhất định, độ bền của vải và nguồn cung ứng vải có tính bền vững, không gây hại cho môi trường. Dưới đây là một số loại vải phổ biến trên thị trường:

Cotton

Nhung, lụa, tằm, satin, bóng, phi

Thổ cẩm

Chần bông

Denim

Voan, lưới

Jersey

Kaki, đũi

Thô

Thun lạnh

5. KIẾN THỨC VỀ MAY RẬP

Khi làm NTK Thời trang, bạn không bắt buộc phải tự mình may hết BST vì không phải ai cũng có thiên hướng về may rập và điều này cũng không quyết định sự thành công của bạn. Tuy nhiên, kỹ năng may mặc vẫn vô cùng quan trọng và khi học ngành này bạn nên tận dụng cơ hội để trải nghiệm. Tự làm rập và may, bạn sẽ càng hiểu cấu trúc của trang phục, điều này giúp ích rất nhiều cho quá trình sáng tạo sau này của bạn. Bên cạnh đó, nó cũng khiến cho bạn trở nên thực tế hơn và không sáng tạo nên những thiết kế không thể may được. Qua đó, bạn cần nắm được những kiến thức cơ bản về tỷ lệ, kết cấu sản phẩm và các chuyển động của cơ thể.

IMAGE: @CSMWOMENSWEAR

IMAGE: @CANVA

Cá nhân mình thực sự khâm phục những bạn sinh viên có khả năng may tốt và tư duy mạnh về rập. Trong quá trình học, mình cũng cần sự giúp đỡ của các bạn đó rất nhiều bởi đây không phải điểm mạnh của mình. Mình vẫn cố gắng hết sức có thể ở mảng này nhưng hầu như mình làm sẽ khá chậm, đặc biệt là may. Chính vì vậy, mình thường sắp xếp thời gian làm mọi thứ khá sớm nhằm đề phòng cho sự cố may lại nhiều lần vì bị hỏng. Mong rằng trong tương lai mình có thể cải thiện được các kỹ năng về may rập và sẽ ngày một hứng thú với nó hơn. Dù rất vất vả nhưng mình nghĩ nếu bạn thực sự đam mê Thiết kế Thời trang, bạn vẫn sẽ muốn được trải nghiệm, cho dù thành phẩm chưa được như ý muốn. Bên cạnh đó, kỹ năng khâu tay cũng vô cùng cần thiết bởi không phải chi tiết nào trên trang phục bạn cũng có thể sử dụng máy may. Chính vì vậy, trong quá trình hoàn thiện đồ án, bạn cần thay đổi linh hoạt giữa may và khâu. Đôi khi, khâu tay còn đẹp hơn cả may đó!


Sau này khi bạn đã có đội ngũ sản xuất cho riêng mình, bạn không nhất thiết phải may từng món đồ nhưng vẫn cần sát sao tiến độ và kiểm duyệt chất lượng một cách kỹ lưỡng nhất. Bạn cần hiểu về may rập để có thể truyền đạt ý tưởng một cách rõ nét nhất tới chuyên viên của mình.


6. KỸ NĂNG GIAO TIẾP & LÀM VIỆC NHÓM

Bất kỳ nhà thiết kế thời trang hàng đầu nào cũng cần có kỹ năng giao tiếp tốt để phát triển thương hiệu của mình. Trong suốt sự nghiệp của bản thân, bạn có thể có cơ hội trở thành một phần của nhóm thiết kế hoặc lãnh đạo một nhóm của riêng bạn. Khi làm việc với các nhóm, hãy thảo luận nghiên cứu và ý tưởng của bạn thay vì chờ đợi sự chỉ đạo. Lắng nghe và tôn trọng lẫn nhau là một phần quan trọng trong quá trình cộng tác hiệu quả. Khi ấy, bạn không xây dựng BST một mình. Bạn cần lắng nghe những ý kiến và đóng góp của mọi người trong các bộ phận khác nhau và thúc đẩy những thiết kế đó phát triển.

IMAGE: @VOGUE

Đối với sinh viên thiết kế thời trang, đồ án tuy là công việc cá nhân nhưng việc giải thích và truyền đạt ý tưởng đến thầy cô và những người xung quanh là yếu tố không thể thiếu để bạn có thể thành công. Có rất nhiều trường hợp sinh viên không thể giải thích ý tưởng thiết kế của mình nên đạt kết quả chưa được như mong đợi. Bởi thế giới quan và con mắt thẩm mỹ của mỗi người đều rất khác nhau, nếu sự truyền đạt dụng ý của bạn không tốt, BST đó có thể không phát huy được hết sự tiềm năng của nó cho dù thiết kế và hình ảnh của bạn có đẹp đến đâu. Thiết kế thời trang không chỉ dừng lại ở hình ảnh và sản phẩm, đó còn là quá trình làm việc chuyên nghiệp giữa các cá nhân tham gia dự án. Trong quá trình học, thực chất bạn cũng cần đến sự giúp đỡ của những người thân, người bạn dù ít dù nhiều bởi có hàng trăm đầu việc không tên. Đây là cơ hội để bạn trau dồi kỹ năng này.


7. TƯ DUY VỀ KINH DOANH

Tuy nghề nghiệp trong lĩnh vực thời trang đòi hỏi bạn phải có óc sáng tạo cao nhưng bạn cũng cần phải có kiến ​​thức kinh doanh. Bạn sẽ cần có khả năng quản lý ngân sách, thực hiện chiến lược quảng bá hình ảnh và thành thạo trong việc đưa ra các BST giúp bạn tạo dấu ấn và kiếm lợi nhuận.


Khi còn là sinh viên, bạn có thể thoả sức sáng tạo với những bộ trang phục kỳ quái, mang tính trình diễn cao. Nhưng khi gây dựng sự nghiệp cá nhân, tính thực tế và tính thương mại là điều không thể bỏ qua. Làm sao để trang phục đó vẫn bán được nhưng lại nhìn không nhàm chán? Đây là câu hỏi khiến rất nhiều NTK và thương hiệu đau đầu suy nghĩ. Sức sáng tạo của bạn có thể được bay bổng hơn nếu bạn định hướng trở thành một NTK phục trang hoặc đồ trình diễn. Tư duy về kinh doanh vô cùng quan trọng nên hầu hết các khoá học Thiết kế Thời trang đều dạy kiến thức về xu hướng, thị trường và cách tạo chân dung khách hàng, có điều sẽ không học sâu như ngành Truyền thông & Marketing Thời Trang.

IMAGE: HARPER'S BAZAAR

Trên đây là những yếu tố bạn cần có để có thể theo đuổi ngành Thiết kế Thời Trang lâu dài. Bạn đã có những kỹ năng nào rồi? Bạn cảm thấy mình cần trau dồi thêm những gì? Cùng chia sẻ với mình nhé! Mong những thông tin này hữu ích với bạn! Hẹn mọi người ở những bài viết sau với nhiều điều thú vị về ngành Thời Trang nhé!













201 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page