Vyy Bui
CÁCH TỰ TẠO CƠ HỘI VIỆC LÀM NGÀNH THỜI TRANG (P.2)
Đam mê thời trang, nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện để theo đuổi niềm đam mê của mình. Gia đình, vấn đề tài chính, hay những nỗi lo về tâm lý đều trở nên to lớn hơn khi ta nghĩ đến “Cơ hội việc làm” trong ngành thời trang.
Vậy làm sao để tự tạo cơ hội việc làm ở lĩnh vực này? Làm sao để tìm cách tự khẳng định bản thân mình khi bạn đang bị cản trở theo đuổi ước muốn của mình? Hôm nay, mình sẽ chia sẻ với mọi người một số góc nhìn dựa trên quan điểm & trải nghiệm cá nhân nhé!

7. TRỢ GIÚP TỪ THẦY CÔ
Thông thường, chúng ta thường ngại đối diện và chủ động hỏi các câu hỏi với thầy cô, đặc biệt nếu đó là người nước ngoài. Tuy nhiên, họ cởi mở và “supportive” hơn ta nghĩ đó! Nếu thầy cô nhận thấy bạn là người có sự cầu tiến, họ sẽ sẵn sàng giúp đỡ, đáp ứng nguyện vọng của bạn hoặc giới thiệu part-time job, internship cho bạn.

Nếu bạn là sinh viên thời trang và đang gặp khó khăn trong vấn đề thực tập, hãy thử mở lời với thầy cô. Bởi suy cho cùng, họ là những người có bằng cấp, cũng như kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực thời trang. Bạn sẽ không tưởng tượng được độ phủ sóng các mối quan hệ của họ đâu! (thương hiệu, agency, stylist, người mẫu…)
8. THỬ SỨC VỚI NGHỀ STYLIST
Đây chỉ là góc nhìn cá nhân, nhưng mình thấy rất nhiều bạn bè sau một thời gian thử sức với vị trí Stylist, họ có thêm nhiều mối quan hệ mới cũng như cơ hội được giới thiệu đến các job khác nhau. Là một stylist, bạn sẽ được tiếp xúc với nhiều ekip cũng như những người làm trong ngành. Hãy chăm chỉ học hỏi, nhiệt huyết với team và đừng ngại giao tiếp với các anh chị đi trước. Bạn cũng có thể thẳng thắn bày tỏ mong muốn của mình được hợp tác và làm việc cùng họ nhiều hơn trong tương lai.

Sự cởi mở sẽ giúp bạn có thêm nhiều cơ hội mà bạn không ngờ đến. Nếu bạn đặc biệt yêu thích khía cạnh styling, fashion photography hoặc tự tin với khiếu thẩm mỹ của mình, tại sao không thử trở thành một stylist? Bạn có thể bắt đầu công việc với các local brands, hoặc thậm chí làm stylist cá nhân cho các khách hàng…Để bắt đầu với công việc này, bạn cũng có thể xem các bài đăng tuyển stylist trong những group online mình đã nêu hoặc tận dụng các mối quan hệ quen biết nhé!
9. XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU CÁ NHÂN

Có lẽ mình đã đề cập khá nhiều lần đến lợi ích của việc xây dựng thương hiệu cá nhân. Bạn có thể startup một fashion brand nhỏ, hay cũng có thể mở một fashion blog và lan tỏa các giá trị ý nghĩa đến cộng đồng có cùng đam mê. Có rất nhiều con đường khác nhau, personal branding sẽ giúp bạn gia tăng độ nhận diện trong lĩnh vực của mình.
Tuy nhiên, để tách khỏi các doanh nghiệp và tạo cho mình một lối đi riêng cũng không hề dễ dàng. Bạn cũng cần trau dồi nhiều kiến thức về chuyên môn và marketing để thương hiệu của bạn có một chỗ đứng nhất định. Bởi ngày nay, vô vàn thương hiệu trẻ hay các influencer tiềm năng không ngừng nổi lên, vậy làm sao để tạo nên sự khác biệt?
10. TẠO PROJECT CÁ NHÂN

Các mối quan hệ hay cơ hội việc làm đôi khi cũng đến từ chính những Project cá nhân của bạn. Giả dụ, bạn cần thực hiện một photoshoot thời trang của riêng mình, bạn phải xây dựng một ekip riêng bao gồm photographer, model, stylist…Có những trường hợp, họ thấy bạn là người sáng tạo, có tiềm năng, họ sẽ liên hệ lại để hợp tác cùng hoặc giới thiệu bạn tới những công việc khác. Vậy điều mấu chốt ở đây, hãy tự mình tạo ra cơ hội để làm việc cùng những người trong ngành. Có thể không phải lúc nào bạn cũng sẽ nhận được sự chú ý từ họ, nhưng nếu bạn không từ bỏ và luôn chủ động trong các công việc của mình, luôn tạo ra những thứ mới, những dự án mới,..Mình tin những cơ hội tốt đẹp sẽ đến với bạn!
11. TINH THẦN CẦU TIẾN & NHIỆT HUYẾT
Bên trên là những cách giúp bạn tạo cơ hội việc làm cho bản thân trong lĩnh vực thời trang. Tuy nhiên, theo mình điều quan trọng nhất vẫn là tinh thần cầu tiến và nhiệt huyết dù bạn đang đi học hay đã tốt nghiệp. Rất nhiều cá nhân để ý và toan tính quá nhiều đến “quyền lợi” và mức lương nhận được ở thời điểm mà chính bản thân họ vẫn chưa hoàn thiện. Ngày mới đi làm, mình thực sự thấy bản thân còn quá nhiều thiếu sót và luôn sợ mình sẽ không xứng đáng với đồng lương mà thương hiệu chi trả. Bởi đôi lúc, bạn cho rằng bản thân đã cố gắng đủ và xứng đáng nhận được một điều gì đó “lớn hơn”.

Nhưng đi làm mới hiểu kiếm tiền chẳng hề dễ dàng, ngành thời trang hay bất kì ngành nào cũng vậy. Bạn cần trải qua quá trình dài nỗ lực, bạn mới có được một vị trí tốt. Sếp, giám đốc, chủ thương hiệu, hay các NTK nổi tiếng…họ đều đánh đổi rất nhiều mới có được ngày hôm nay, để truyền lại kinh nghiệm cho các bạn. Tiền thực sự rất quan trọng và là mục tiêu để phấn đấu, nhưng ở giai đoạn mới bước vào nghề, phát triển bản thân và tri thức mới nên là những giá trị bạn cần hướng đến.