top of page
  • Ảnh của tác giảVyy Bui

CÁC BƯỚC THỰC HIỆN MỘT BỘ SƯU TẬP THỜI TRANG (P.1)

Thiết kế thời trang là gì đối với bạn? Có thể nó là sức sáng tạo bất tận, là thử thách hấp dẫn nhưng cũng có thể là sự mông lung khi bạn chưa biết bắt đầu từ đâu. Nếu bạn quan tâm đến quy trình hình thành một BST Thời trang hay các bước để lên ý tưởng cho một BST thì đây chính là bài viết dành cho bạn!


Bài viết được thực hiện dựa trên những trải nghiệm cá nhân của mình và những bạn theo học ngành Thiết kế thời trang mà mình biết. Nếu mọi người có những quan điểm và các bước thực hiện thú vị khác, hãy chia sẻ với mình nhé!


IMAGE: @HARPER'S BAZAAR

1. NGHIÊN CỨU CONCEPT

Điều đầu tiên bạn cần làm trước khi lên ý tưởng cho BST của mình đó là nghiên cứu và xác định concept mà mình hướng đến. Vậy concept thời trang là gì? Đó là chủ đề bao trùm lên BST của bạn, tất cả những chi tiết từ phom dáng, màu sắc, chất liệu đều được phát triển từ các hình ảnh trực quan của chủ đề đó.


Mình có thể lấy ví dụ như sau, nếu concept của bạn là Kiến trúc cổ đại, thiết kế của bạn sẽ được phát triển dựa trên tính chất hình khối, phong cách cứng cáp mạnh mẽ hay uyển chuyển tuỳ vào phong cách/công trình kiến trúc mà bạn lựa chọn. Nếu concept của bạn là Văn hoá Việt, chắc chắn trang phục của bạn sẽ lấy cảm hứng từ những nguyên liệu sáng tạo dung dị như ruộng bậc thang, hạt gạo, yếm, áo giao lĩnh…

IMAGE: @ARTSTHREAD

Thời trang có thể lấy cảm hứng từ bất kỳ điều gì, nhưng bạn hãy phân biệt sự khác nhau giữa khái niệm theme/conceptinspiration. Hai khái niệm này thường bị nhầm lẫn và đánh đồng, nhưng thực ra chúng có sự khác biệt. Inspiration là nguồn cảm hứng nói chung, nhưng concept hoặc theme thường sẽ là những nguồn cảm hứng có tính câu chuyện. Khi giao tiếp, chúng ta vẫn thường sử dụng các từ ngữ này thay thế cho nhau và điều đó cũng không ảnh hưởng, miễn sao chúng ta hiểu bản chất của chúng.


Thầy mình từng không cho học sinh lấy những chủ đề về hoa, lá, động vật làm concept BST vì chúng không thực sự là concept. Đó là những sự vật, nguồn cảm hứng trong cuộc sống. Hay những chủ đề như sự áp lực, tâm trạng buồn bã cũng không phải concept vì đó là hiện tượng tâm lý chung chung.


Tuỳ vào quan điểm mỗi người, nhưng mình khuyên các bạn nên phát triển ý tưởng dựa trên những chủ đề có yếu tố và chiều sâu bối cảnh xã hội cũng như cảm xúc để phát triển BST. Nếu bạn chọn những megatrends như digital world, sustainability, gender equality, các thập niên…, sẽ có rất nhiều ý tưởng để bạn lấy cảm hứng. Hãy tham khảo cả những NTK nổi tiếng xem họ lấy nguồn cảm hứng từ những chủ đề như thế nào nhé!


2. CHỌN LỌC HÌNH ẢNH

IMAGE: HARPER'S BAZAAR

Sau khi đã xác định được concept, điều bạn cần làm tiếp theo trong quá trình nghiên cứu là kiếm tìm những hình ảnh truyền cảm hứng đặc trưng. Hãy chọn những từ khóa thể hiện rõ nhất chủ đề đó và bắt đầu công cuộc khám phá của mình trên các nền tảng trực quan như: instagram, pinterest, vogue runway, trend sense, trend watching…Hãy tìm kiếm thật kỹ ở nhiều ứng dụng và websites. Những hình đó cần thực sự mạnh và ấn tượng, nếu được hãy khai phá những hình ảnh có bố cục khác biệt, mới lạ. Đây là những cơ sở đầu tiên để bạn có thể phát triển phom dáng, màu sắc BST dựa trên chúng. Chính vì vậy, nếu những hình ảnh này không tinh lọc và không thực sự chất lượng, BST của bạn cũng không đạt được kết quả như kỳ vọng.


Bước chọn lọc hình ảnh quyết định rất nhiều về tính visual của BST đó sau này. Bạn hãy tưởng tượng, nếu nền móng của một công trình vững vàng, nó sẽ duy trì lâu năm mà không bị bào mòn. Thiết kế thời trang cũng vậy, bạn hãy làm kĩ từ những bước đầu tiên để tạo nên sự khác biệt cho bản thân nhé! Biết đâu khi nghiên cứu hình ảnh sâu hơn, bạn sẽ tìm ra được những góc nhìn mới cho BST của mình mà chưa ai từng biết đến?


3. TẠO BẢNG MÀU & NGHIÊN CỨU CHẤT LIỆU

Có lẽ mọi người đều biết, mỗi BST đều mang những tông màu, sắc thái rất riêng. Đó là những màu sắc/ chất liệu được tinh lọc từ những hình ảnh truyền cảm hứng bạn vừa kiếm tìm ở bước trước. Để lên được bảng màu và chọn chất liệu cho BST, chúng ta cần quan sát điểm chung về thị giác của những hình ảnh đó. Đập vào mắt bạn đầu tiên là những tông màu nào? Hay tông màu/chất liệu nào sẽ thể hiện phần lớn concept của bạn? Bạn hãy tự hỏi bản thân mình rằng sắc thái nào tạo nên sự đặc trưng của concept đó?

IMAGE: @FASHION NETWORK

Nếu concept của bạn về chiến tranh, chắc hẳn bạn sẽ sử dụng những tông màu đặc thù như xanh quân đội, màu đất, gam trung tính như đen, xám, be và những chất liệu như kaki, thô, vải gió với màu trầm tối…Hay concept về các dân tộc thiểu số (Ethnic minorities), bạn sẽ cần lựa chọn tông màu rực rỡ như đỏ, hồng, xanh dương và vải thổ cẩm…Điều quan trọng nhất, hãy hiểu concept của mình và biết gạn lọc từ những nguyên liệu sẵn có. Đôi khi, những tông màu/chất liệu trong BST của bạn không nhất thiết phải là những màu sắc đã có sẵn. Bạn có thể thử nghiệm, pha màu và kết hợp những màu/chất liệu đặc trưng của concept đó lại xem kết quả thú vị đến nhường nào! Hãy tự do khám phá bản thân và đừng gò bó ở một khuôn khổ nhất định.


Ngoài ra, có một điều đáng lưu ý về bảng màu trong BST đó là vấn đề về số lượng. Để tính visual của BST trở nên cân sắc và hài hòa nhất, mình nghĩ bạn không nên sử dụng quá 10-12 màu. Nếu đó là BST chưa đến 10 mẫu thiết kế, bạn nên dừng ở mức tối đa 5 màu chính, 3-4 là con số hợp lý (điều này đã được chứng minh dựa trên nghiên cứu về thiết kế thời trang). Trừ những BST mang concept tập trung vào màu sắc và tính đa dạng, họ có thể dùng nhiều màu hơn thế. Đối với chất liệu cũng vậy, nếu quá nhiều sẽ khiến BST trở nên hỗn tạp.


4. THIẾT KẾ & PHÁT TRIỂN THIẾT KẾ

IMAGE: @NORTHUMBRIA


Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ về hình ảnh, màu sắc và hiểu mood của concept, còn chần chờ gì nữa, bắt tay vào thiết kế thôi! Đây là công đoạn chính và cũng là công đoạn tạo nên nhiều cảm xúc nhất đối với những bạn đam mê ngành này. Sẽ có bạn cảm thấy hào hứng, say mê nhưng cũng có bạn cảm thấy lo lắng, bí bách và run tay, hoặc có thể là cả hai. Mình đã trải qua những cảm xúc này và mình nghĩ trước khi đặt bút thiết kế, bạn đừng suy nghĩ quá nhiều hay tính toán quá nhiều chúng phải hoàn hảo ngay từ ban đầu. Quá trình thiết kế cũng chính là sự tự nghiên cứu, đó là cơ hội để bạn hiểu được chính mình và xem xét cần cải thiện ở đâu.


Khi vẽ, bạn có thể sử dụng giấy can để thiết kế. Bạn hãy đặt giấy lên hình ảnh cảm hứng mà bạn muốn áp dụng vào bộ đồ đó, sau đấy phác lại những nét chính, tập trung vào bố cục của sự vật đó. Tiếp đến, hãy đặt tờ giấy can đã có nét phác kia lên tờ giấy khác và phát triển phom dáng trang phục dựa trên những đường nét đó. Đây chỉ là một trong rất nhiều cách bạn có thể sử dụng để phục vụ cho quá trình thiết kế của mình.


IMAGE: @FASHION WEBSITE

Hãy quan sát thật kỹ các chi tiết trên ảnh, quan sát những điểm thú vị của concept mà bạn nghiên cứu và chọn ra những thứ đắt giá nhất để đưa lên trang phục. Nếu lần 1, lần 2 bạn chưa ưng ý cũng đừng vội nản. Ngay cả những nhà thiết kế nổi tiếng cũng từng “đập đi xây lại" BST của họ rất nhiều lần để có thể đi đến ý tưởng cuối cùng. Thậm chí, càng sửa nhiều bao nhiêu, bạn càng có bấy nhiêu cơ hội để sáng tạo và tái tạo lại BST sao cho ấn tượng hơn, mới lạ hơn. Đó chính là quá trình phát triển thiết kế. Bạn có thể vẽ 10 mẫu đầu tiên và tiếp tục phát triển từ những chi tiết bạn thích nhất ở 10 mẫu đó và thay đổi những yếu tố bạn chưa hài lòng.


Song song quá trình thiết kế, hãy tiếp tục nghiên cứu và kiếm thêm các hình ảnh mạnh của concept, đừng chỉ dừng ở những hình ảnh từ ban đầu nhé!





5. TÍNH TOÁN & TINH CHỈNH

Bước này được thực hiện song song với quá trình phát triển thiết kế, hoặc bạn có thể thỏa sức sáng tạo trước rồi tinh chỉnh lại một lượt, điều này phụ thuộc vào cách làm việc của mỗi người. Nhưng tại sao chúng ta cần tính toán và tinh chỉnh? Dù bạn có vẽ đi vẽ lại bao nhiêu lần, ngay cả khi đã tạo line-up cả BST, một cái nhìn tổng quan và rà soát lại không bao giờ thừa.

IMAGE: @ARTSTHREAD

Ta cần tính toán xem bộ trang phục đó có hiện thực hoá được không? Ta sẽ may nó như thế nào hay sẽ giải thích cấu trúc của nó với nhà may ra sao. Chưa kể, những phom dáng đó sẽ hợp với chất liệu như thế nào? Có phù hợp với định hướng ban đầu hay không? Bên cạnh đó, khi đặt các thiết kế trong BST cạnh nhau, ta cũng cần quan sát xem chúng có thực sự giống một BST hay không. Nếu phom dáng không quá nhiều điểm chung, phối màu chưa hài hoà và tính liên kết chưa cao, chắc chắn bạn cần điều chỉnh lại. Hay trong quá trình thiết kế, nếu bạn có lỡ phóng tay và sau đấy cảm thấy chi tiết đó rất khó để thực hiện thì cũng có thể cân nhắc thêm và thay đổi sao cho hợp lý hơn. Hãy sử dụng một quyển sổ và ghi lại tất cả những điều bạn chưa hài lòng về BST của mình và tìm ra phương hướng giải quyết nhé!


Ở phần tiếp theo của bài viết, mình sẽ chia sẻ kỹ hơn các công đoạn để hiện thực hóa một BST thời trang. Cùng đón chờ nhé! Mong những thông tin này hữu ích với bạn!



111 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page