top of page
  • Ảnh của tác giảTuong Vi Dang Vu

6 CÁCH XÂY DỰNG MỘT MỐI QUAN HỆ LÀNH MẠNH

Đã cập nhật: 21 thg 2, 2022

Trong cuộc sống, bên cạnh niềm đam mê và sự nghiệp, các mối quan hệ đóng vai trò vô cùng quan trọng, trở thành một điều tất thảy không thể thiếu, từ quan hệ gia đình, bạn bè hay tình yêu đôi lứa. Sự gắn kết từ tâm hồn chính là kim chỉ nam để mỗi người có một cuộc sống thật hạnh phúc và ý nghĩa.


Bài viết này sẽ đề cập những cách giúp bạn có thể hình thành một mối quan hệ lành mạnh, cùng tìm hiểu nhé!

IMAGE: @OROTON

1. LẮNG NGHE KHI CẦN

Dù bạn là ai, còn đi học hay đã tốt nghiệp và có việc làm ổn định, với mọi cá tính và lứa tuổi, biết lắng nghe vẫn luôn là điều cần thiết. Những lời tâm sự hay mẩu chuyện thường ngày mà bạn lắng nghe chính là sợi dây vô hình kết nối bạn với người thân và bạn bè. Lắng nghe không giống với nghe, bởi đó là khi bạn thật sự quan tâm tới đối phương, đặt mình vào hoàn cảnh của câu chuyện và đưa ra những lời khuyên chân thành nhất.

IMAGE: @BANG & OLUFSEN

Khi nhắc đến chuyện tình cảm, có người cho rằng, những diễn biến trong ngày vô cùng nhỏ bé và không có gì đặc biệt để kể, nhất là khi hầu hết các ngày đều có sự lặp lại. Mỗi người mang một quan điểm, cá nhân mình, mình luôn trân trọng những mẩu chuyện bé, dù là những điều nhỏ nhặt nhất trong ngày như bữa ăn, giấc ngủ. Nếu không thể quan tâm và gắn kết với nhau từ những chuyện nhỏ thì mình nghĩ mối quan hệ đó sẽ không có nền móng để đi xa và dần tạo nên khoảng cách.


Tuy vậy, không phải lúc nào lắng nghe cũng là tốt. Những câu chuyện mà bạn nghe một phần cũng làm ảnh hưởng tới tâm trạng của bạn. Ở cả phương diện tình bạn và tình cảm, hãy lắng nghe và dành tâm sức chia sẻ cùng người thực sự xứng đáng. Nếu đối phương chỉ tìm đến bạn như một nơi để trút bỏ những bực dọc, tức tối và không có sự quan tâm đến cảm xúc của bạn thì hãy xem xét lại mối quan hệ này nhé!



2. THẲNG THẮN & SÒNG PHẲNG

Bên cạnh việc lắng nghe, chúng ta cũng cần học cách thẳng thắn và thành thật với đối phương. Mọi mối quan hệ đều là kết quả của sự tương tác. Nếu có thể, hãy nói ra những cảm xúc của mình hay những điều bạn không hài lòng thay vì giữ sự ấm ức và chọn cách im lặng. Sự cởi mở và chân thành chính là một trong những yếu tố then chốt của việc tạo dựng mối quan hệ, hãy góp ý khi cần thiết với một thái độ văn minh, bình đẳng và tích cực. Chỉ khi nói ra, hai người mới có thể hiểu và sửa đổi, mới có thể phát triển một mối quan hệ theo hướng lành mạnh. “Communication is key” - Lee Brown.

IMAGE: @LUNDLUND

Đối với vấn đề tài chính cũng vậy, ở bất kỳ mối quan hệ nào, việc sòng phẳng về vật chất là vô cùng cần thiết để có thể tránh những hiểu lầm không đáng có. Cũng có nhiều người nói rằng, nếu đủ thân thiết thì sẽ chẳng việc gì phải chi li, tính toán những việc này. Đúng là như vậy, bởi khi đã là mối quan hệ tình cảm thì rất khó để có thể rạch ròi. Tuy nhiên, bạn cũng đừng vì như vậy mà để chuyện vật chất nghiêng về một bên quá nhé! Cả hai người hãy cùng cố gắng để dành cho nhau những điều tốt nhất trong khả năng của mình.


3. ĐỪNG LUÔN PHÁN XÉT

Một trong những điều tạo nên các mối quan hệ không lành mạnh đó là không ngừng phán xét đối phương. Sinh ra trên đời, mỗi cá thể mang một màu sắc riêng biệt với những hướng đi khác nhau, từ hoàn cảnh, suy nghĩ đến môi trường sống. Bởi lẽ đó, việc áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác là việc làm vô cùng phiến diện. Ai cũng có những quan điểm riêng của mình và việc bạn không thích một ai đó hoàn toàn bình thường. Nhưng việc không ngừng để ý, phán xét và hạ thấp họ, hay thậm chí đặt điều là câu chuyện hoàn toàn khác.

IMAGE: @VERITYJADE

Ở trường hợp này, chúng ta có hai sự lựa chọn. Một là hãy kệ đi vì việc người bạn không thích họ có cuộc sống ra sao, hay mọi người nghĩ gì về họ thực sự không ảnh hưởng đến những công việc cá nhân của bạn. Trước nay, mình lựa chọn lối sống ‘drama - free’ và không quá quan tâm đến những xét nét tiêu cực. Sẽ không đúng nếu bảo là chúng ta không buồn, không khó chịu khi bị phán xét và đánh giá không đúng. Nhưng hãy lấy những lời nói tiêu cực đó làm động lực để hoàn thiện bản thân hơn, làm tốt hơn. Quan trọng, chính bạn cần hiểu rõ bản thân mình nhất để không bị mất phương hướng trước những ý kiến trái chiều trong cuộc sống.


Thứ hai, đó là trực tiếp góp ý khi cần thiết để người đó có thể sửa đổi. Tuy nhiên, bạn lựa chọn góp ý theo cách nào để mọi thứ có thể tối ưu nhất? Có người sẽ ngồi lại chia sẻ một cách bình tĩnh, nhưng có người sẽ tỏ rõ thái độ và thắng thua đến cùng với đối phương, thậm chí dùng những lời lẽ chỉ trích khó nghe. Nếu bạn góp ý một cách văn minh, điều đấy cho thấy bạn thực sự muốn mọi thứ được cải thiện. Ngược lại, nếu bạn khiến mọi thứ trở nên ‘toxic’, điều đó chỉ cho thấy bạn đang cần thoả mãn cái tôi cá nhân. Cách hành xử này không khiến người khác nể bạn đâu, mà chính bạn là người sẽ tạo ấn tượng xấu hơn mà thôi.


Không ai có thể làm hài lòng tất cả mọi người, ai cũng có những khiếm khuyết. Luôn phán xét và nói xấu người khác chỉ thể hiện bản thân bạn đang không mấy hạnh phúc và không hài lòng với những gì mình đang có.


4. SỰ CỐ GẮNG ĐẾN TỪ HAI PHÍA

Cuộc sống với những bộn bề khiến con người ta thường tự mặc định những người ở bên mình là lẽ đương nhiên mà quên đi mất rằng chúng ta cũng cần phải chăm chút, vun vét cho mối quan hệ đó. Giống như cây cối, các mối quan hệ cũng cần được chăm sóc và nuôi dưỡng thì mới có thể trở nên bền vững.


Một bữa ăn nho nhỏ, một tấm thiệp handmade nhân ngày đặc biệt hay buổi trò chuyện ôn lại những kỉ niệm đẹp…Mối quan hệ được duy trì từ những điều rất đỗi nhỏ nhặt như vậy. Dù là bạn bè hay những người thân yêu, tất cả đều cần sự nỗ lực đến từ hai phía. Khi mối quan hệ thiếu đi sự cân bằng, đấy chính là “red flag” cho thấy bạn cần xem xét lại. Điều gì cũng có cái giá của nó, không ai có thể chỉ cho đi và không ai mãi nhận lại. Dù bạn ở hoàn cảnh nào, hãy thử dành ra ít thời gian để nhìn nhận lại xem họ đã làm những gì cho bạn, hay bạn đã làm gì cho họ và cả hai đã vì nhau như thế nào nhé! Hãy điều chỉnh trước khi quá muộn.

IMAGE: @MODELSDOTCOM

Ngoài ra, nuôi dưỡng những các mối quan hệ thân thiết cũng là cách để giúp cuộc sống trở nên tích cực và đỡ áp lực hơn. Do đó, đừng vì những gánh nặng trên vai mà quên đi mất những người bạn yêu thương nhé!


5. TIN TƯỞNG LẪN NHAU

Sự tin tưởng là điều vô cùng quan trọng trong mọi mối quan hệ, bởi nó chính là nền móng vững chắc để mối quan hệ đó tiến xa hơn. Chẳng có mối quan hệ bền vững nào, bạn bè, đồng nghiệp hay người thân không xuất phát từ sự tin tưởng.

IMAGE: EVENPRIME

Để tạo cảm giác tin cậy, chắc chắn điều đầu tiên phải là thành thật, chân thành. Tâm lý chung của nhiều người khi đang tạo dựng một mối quan hệ đó là luôn mong muốn không làm phật ý đối phương. Vì vậy, nhiều người chọn cách nói dối để tránh mất lòng nhau. Có thể điều này sẽ không quá nghiêm trọng nếu đó là những lời nói dối vô hại. Tuy nhiên, nếu bạn không kiểm soát được tình thế, điều này sẽ vô tình đã biến mối quan hệ trở nên không an toàn và có phần mệt mỏi. Hãy thành thật từ ban đầu với những gì bạn có, dám đối diện với những thiếu sót của bản thân, bởi sẽ chẳng ai trách móc một người biết được những khuyết điểm của mình và luôn nỗ lực để sửa đổi.





IMAGE: @EVENPRIME

Tiếp đó, đấy chính là sự giữ lời. Chẳng có ai mãi đặt lòng tin vào người chỉ biết nói suông mà không hành động. Khi thực sự trân trọng một mối quan hệ nào đó, con người ta sẽ không hứa nhiều mà thay vào đó là hành động thực tế. Dù bận đến đâu, bạn vẫn luôn có đủ thời gian và công sức dành cho họ. Lòng tin luôn là thứ khó xây dựng và vô cùng khó để lấy lại một khi đã mất đi. Khi có sự hoài nghi, mối quan hệ đó sẽ trở nên nặng nề và có phần áp lực. Vì vậy, chúng ta nên có trách nhiệm với từng lời nói của mình để tránh gây tổn thương tới đối phương cũng như phá hỏng một mối quan hệ đẹp.








6. CÙNG NHAU ĐI LÊN

Một mối quan hệ lành mạnh là khi cả hai cùng cố gắng để trở thành phiên bản tốt hơn của chính bản thân mình, có thêm động lực và mục đích để làm nhiều thứ. Đối với cá nhân mình, có thêm những mối quan hệ cũng chính là có thêm chỗ dựa vững chắc cho bản thân. Bởi lẽ, người thân, bạn bè hay những người anh chị đi trước đều luôn bên cạnh và giúp đỡ bất cứ khi nào mình cần.

IMAGE: @STANDSTUDIO

Tuy nhiên, không phải mối quan hệ nào cũng như vậy. Một mối quan hệ không lành mạnh là khi đối phương hoặc bạn chỉ biết nghĩ cho bản thân mình, đòi hỏi người còn lại và không hề nghĩ cho cảm xúc của nhau, cái tôi cá nhân quá lớn và không tôn trọng không gian riêng của người còn lại. Hay đối với một số người, họ đưa nhau vào những sự lựa chọn vô cùng khó khăn, éo le. Tất cả những điều đó đều khiến cả hai không còn thời gian và tâm trí để phát triển bản thân. Nếu một mối quan hệ chỉ mang lại cảm giác trì trệ, có lẽ bạn cần thời gian để nhìn nhận lại. Hãy giữ mối quan hệ khiến mình và đối phương đều cảm thấy thoải mái, hay có thể học hỏi thêm từ nhau những giá trị ý nghĩa.


Dù bạn là ai đi chăng nữa, mình tin ai cũng xứng đáng có được một mối quan hệ lành mạnh và phù hợp với mình. Vì lẽ đó, hãy trân trọng những người đang và sẽ ở bên bạn một cách thật lòng nhé! Mong rằng những chia sẻ của mình sẽ giúp ích cho các bạn.


References:





35 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page