Vyy Bui
5 KHÓ KHĂN KHI LÀM PORTFOLIO THỜI TRANG
Đam mê và quyết tâm theo đuổi ngành Thời Trang, chắc hẳn ai cũng ý thức được tầm quan trọng của việc có một Portfolio cá nhân thật ấn tượng, đặc biệt là đối với những bạn muốn apply du học hay xin học bổng.
Chưa quá phổ cập tại Việt Nam, nhiều học sinh THPT/sinh viên vẫn trải qua quá trình làm Fashion Portfolio từ A-Z mà không có sự giúp đỡ. Có thể ít ai nói ra, nhưng chúng mình đều cần đối diện những thách thức nhất định trong quá trình này.

1. MẤT PHƯƠNG HƯỚNG
Hoang mang, không biết bắt đầu từ đâu là cảm xúc rất phổ biến đối với các bạn khi nghĩ đến việc xây dựng Portfolio. Đối với những bạn đã có background (làm CLB, project cá nhân, CTV show diễn…), việc cần làm trước mắt là chọn lọc tác phẩm và sắp xếp chúng sao cho chuyên nghiệp. Nhưng với những ai chưa có trải nghiệm, chưa có nguồn nguyên liệu để đưa vào Portfolio, đây thực sự là một khó khăn lớn. Bởi khi đó các bạn chưa định hình được phong cách cá nhân, chưa hiểu rõ bản thân cần gì và nên đưa những gì vào hồ sơ của mình. Nếu có thời gian, các bạn nên dành khoảng 2 tháng để nghiên cứu, tìm hiểu, xem nhiều chủ đề thời trang để có định hướng rõ hơn. Nếu thời gian quá gấp, các bạn nên tìm người đi trước để hỗ trợ và “step by step” xây dựng Portfolio luôn.

2. TƯ LIỆU HẠN CHẾ
Thực chất, nguồn tài nguyên & các website Thời Trang luôn phong phú, nhưng tại sao các bạn làm Portfolio vẫn cảm thấy “không biết tìm hiểu ở đâu”? Có lẽ, những thông tin đó chưa phải điều các bạn cần kiếm tìm. Rất nhiều em từng bảo mình rằng, dù có xem những kênh Youtube hướng dẫn về Portfolio, các em vẫn không biết phải làm gì. Suy cho cùng, Portfolio về Thời Trang cần mang tính cá nhân hoá cao, nếu không sẽ khó mà cạnh tranh được.

Những tutorials trên mạng chỉ giúp chúng ta ý thức hơn về bố cục hoặc các kiểu artwork có thể đưa vào Portfolio, chứ không phải là cơ sở để tìm hiểu chuyên sâu và phục vụ trực tiếp cho Portfolio cá nhân. Không phải ai cũng có một hành trình dài để xem, đọc, giải trí bằng các website, app về Thời trang. Nhiều bạn cần nghiên cứu trực tiếp về Portfolio nhưng lại gặp khó khăn như trên, đặc biệt là khi chưa có trải nghiệm và phải tự làm hết một mình.
3. KHÓ KHĂN KHI XÂY DỰNG HÌNH ẢNH CÁ NHÂN

Các tác phẩm cá nhân hay cách bạn thể hiện trong Fashion Portfolio cũng được coi là một hình thức “Personal branding”. Làm sao để xây dựng hình ảnh cá nhân chuyên nghiệp khi chưa có nhiều trải nghiệm trong lĩnh vực thời trang? Làm sao để xây dựng một Portfolio ấn tượng, cá tính khi bản thân chưa định hình được phong cách riêng?
Cũng có nhiều bạn rất tiềm năng, nhưng lại gặp khó khăn trong việc thể hiện thế mạnh của mình trong Portfolio. Điều này xảy ra khi bạn tự thân làm việc và không ai nhìn thấy hoặc chỉ ra những điều đó cho bạn thấy. Dẫu biết định hình phong cách cá nhân là một hành trình dài, ngay cả với những người đã có kinh nghiệm, tuy nhiên, Portfolio của bạn cũng cần một tạo hình (archetype) nhất định để gây ấn tượng.
4. KHÓ KHĂN VỀ CÔNG CỤ & NỀN TẢNG THỰC HIỆN

Đa số các bạn THPT sẽ gặp khó khăn về nền tảng làm Portfolio, nhất là khi chưa có kỹ năng dùng AI, Photoshop, InDesign…Ta hoàn toàn có thể làm tay một số tác phẩm, nhưng Digital Portfolio vẫn luôn là sự lựa chọn lý tưởng khi apply online. Vậy bạn có thể làm Fashion Portfolio qua đâu khi không thể sử dụng các phần mềm Adobe?
Canva/Canva Pro.
Background Remover cho cắt nền.
Wix
Squarespace
Behance
Portfoliobox
Dribble
…
5. XỬ LÝ HÌNH ẢNH & BỐ CỤC
Ở độ tuổi THPT, mình nhận thấy khả năng xử lý hình ảnh của bản thân còn rất nhiều thiếu sót. Ngày đó cũng không ai sửa cho mình và hầu hết mọi thứ mình đều làm theo cảm tính, cảm quan cá nhân. Phải sau này đi học và đi làm rất nhiều, mình mới tự tin hơn về cách làm bố cục cũng như phân bổ màu sắc. Nếu không có thầy cô, sếp, hay những anh chị đi trước chỉ dẫn và sửa 7749 lần, có lẽ mình sẽ không tốt lên được. Đối với Portfolio apply Đại học, có thể nhà tuyển sinh sẽ không đặt nặng khả năng chuyên môn về đồ hoạ hoặc visual của bạn, nhưng để đạt học bổng hoặc cạnh tranh được với số đông, quả thực bạn cần trở nên nổi bật hơn chứ, đúng không nào?

Hy vọng bài viết của mình sẽ phần nào giúp các bạn nhìn thấy chính bản thân ở trong đó, cảm thấy được đồng cảm hơn và đừng ngại liên hệ mình để được giúp đỡ nhé!