- Content Creator Team
4 CÁCH GIÚP TA THOÁT KHỎI CẢM GIÁC TỘI LỖI
Self-blame hay tự đổ lỗi bản thân là một trong những hình thức ngược đãi tinh thần và cảm xúc độc hại nhất. Song nhiều bạn trẻ vẫn lầm tưởng hai khai niệm “nhận thức được điểm yếu” và “chỉ trích, đổ lỗi bản thân”, khiến họ không thể thoát khỏi cảm giác tội lỗi và vô hình chung tự làm tổn thương chính mình. Vậy làm thế nào để chúng ta hoàn thiện bản thân sau mỗi lần mắc lỗi và không rơi vào cái bẫy self-blame? Hãy cùng chúng mình tìm hiểu nhé.

1. HIỂU RẰNG: SỰ "HOÀN HẢO" KHÔNG CÓ CÔNG THỨC CHUNG
Một trong những lý do lớn nhất dẫn tới việc tự đổ lỗi cho bản thân là quá khao khát những tiêu chuẩn hoàn hảo dẫn đến việc lo sợ mắc lỗi. Thế nhưng, con người sinh ra không ai là toàn năng và rất khó để có thể đạt được 100% sự hoàn mỹ mà tâm tưởng ta luôn theo đuổi.
Để có thể cải thiện và trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, đầu tiên bạn cần biết trân trọng cả những điều không toàn diện ở bản thân.

2. CÓ CHÍNH KIẾN VỚI BẢN THÂN MÌNH
Khi mọi việc không theo ý muốn, đôi khi chúng ta có thói quen nhận hết lỗi lầm về mình mà không ý thức được rằng có rất nhiều yếu tố khách quan - chủ quan khác mà ta không thể kiểm soát. Biết nhận sai là đức tính vô cùng đáng quý, nhưng ở những trường hợp nhất định, ta cần có chính kiến riêng nhằm tránh để bản thân nhận quá nhiều sự thua thiệt không đáng có.


3. CẢI THIỆN SỰ TỰ TI VỀ BẢN THÂN
Thường xuyên cảm thấy tội lỗi là cầu nối dẫn đến việc hạ thấp giá trị bản thân. Tỉnh thần của ta cũng vì thế mà bị hao mòn và không được phát huy toàn lực bởi cảm giác luôn bất an và tự nghi ngờ chính mình.
Có những lỗi sai không thể đánh giá toàn bộ một con người và sự nỗ lực mà họ đã bỏ ra. Hơn hết, sự tự trân trọng và thấu hiểu chính mình mới là chìa khóa giúp con người thoát khỏi cái bẫy của self-blame.
4. BIẾN CẢM XÚC TIÊU CỰC THÀNH HÀNH ĐỘNG TÍCH CỰC
Luôn tự than trách bản thân chắc chắn không giúp ta giải quyết vấn đề. Thay vào đó, hiểu rõ yếu điểm, nhận thức đúng trách nhiệm và bắt tay vào sửa sai mới là cách để vượt qua thử thách. Khi đó, lỗi lầm và sự thất bại chính là nguồn động lực và cơ hội quý giá để bạn nâng cao giá trị bản thân, đúc kết kinh nghiệm và bài học cho chặng đường dài phía trước.
