top of page
  • Van Trang Nguyen Ngoc

4 ĐIỀU CHÚNG TA NÊN NGỪNG LÀM ĐỂ CUỘC SỐNG DỄ DÀNG HƠN

Trong cuộc sống, đôi lúc chúng ta cảm thấy quá ngột ngạt vì có quá nhiều áp lực, bực mình và nhiều việc không được thực hiện theo ý muốn của chúng ta. Những lúc như vậy thì bạn sẽ làm gì? Bực tức, cáu giận, trách cuộc đời luôn khắt khe và gây khó dễ cho mình? Hãy dừng lại ngay những suy nghĩ đó lại! Bài viết ngày hôm nay sẽ đưa ra một vài gợi ý giúp chúng ta nên ngừng làm để có thể chủ động điều hướng cuộc đời mình theo hướng tích cực hơn.

IMAGE: ISSUU

1. Ganh tị với người khác

GATO (ghen ăn tức ở) là một cụm từ đã không còn xa lạ với mỗi chúng ta. Tâm lý này thường xảy ra khi chúng ta thường xuyên phải đối diện với những tin tức về thành công của những người xung quanh và cả những người chỉ biết đến qua mạng. Từ đó, bắt đầu nảy sinh tâm lý so sánh với bản thân và bắt đầu cảm thấy chưa tốt về bản thân. Để giải quyết tâm lý này, nhiều người đã chọn cách nghĩ xấu cho những thành tựu của người khác.

IMAGE: CANVA

Thực chất, ganh tị (ganh ghét và tị nạnh) là một cảm xúc hoàn toàn bình thường và tự nhiên của con người. Tuy vậy, hậu quả mà nó mang lại không chỉ ảnh hưởng xấu đến người bị ghen ghét mà còn có những tác hại đối với chính người có những suy nghĩ này. Đối với người bị ganh tị, việc có những lời nói không hay sẽ khiến họ cảm thấy buồn vì những cố gắng để thành công của họ không được ghi nhận. Đối với những người ganh tị với người khác, việc này sẽ khiến cho hình ảnh của họ trong mắt những người xung quanh trở nên xấu đi, họ sẽ trở thành một người ích kỷ, nhỏ nhen.


Bởi lẽ đó, để có thể giảm thiểu tâm lý đố kỵ với người khác, chúng ta hãy coi đó là động lực để chúng ta phấn đấu. Hãy chuyển hóa những thù ghét thành một năng lực tích cực để chúng ta ngày một phát triển. ‘Ganh tị’ thì không nên, nhưng chúng ta vẫn có thể ‘ganh đua’, cùng nhau ‘đua’ để trở thành những phiên bản tốt nhất của chính bản thân mình!


2. Phán xét người khác theo quan điểm cá nhân

IMAGE: COOLCHICSTYLEFASHION

Trong cuộc sống ngày nay, việc phán xét người khác đang được bình thường hoá và được hiểu theo một cách sai lệch. Việc làm này thường bị hiểu nhầm với ‘đánh giá’. Tuy vậy, ý nghĩa và mục đích của hai việc làm này là hoàn toàn khác nhau. ‘Đánh giá’ là một phát biểu mang tính mô tả về sự kiện hay sự vật trong tâm thế trung dung và khách quan; còn ‘phán xét’ là một phát biểu về ý kiến cá nhân và trong tâm thế chủ quan. ‘Đánh giá’ có thể xem là một cách tiếp cận khoa học, còn ‘phán xét’ thường được dựa trên cảm tính và tự thị. Việc đánh giá người khác là một hành động tiêu cực cần phải dừng lại.


Như đã phân tích ở trên ‘phán xét’ được dựa trên quan điểm cá nhân và cảm tính của mỗi con người. Con người chúng ta mỗi người sẽ có một cách nghĩ và lối sống khác nhau, chúng ta không thể áp đặt những thói quen và suy nghĩ của mình lên người khác. Nếu ai cũng có những hành động và suy nghĩ giống nhau, cuộc sống này sẽ thật nhàm chán biết bao! Chúng ta sẽ chẳng thể nào có cơ hội để thảo luận, để tranh luận nữa, những cuộc trò chuyện giữa con người với con người cũng chẳng thể nào kéo dài, vì chúng ta đã hiểu hết nhau rồi mà. Con người không ai là hoàn hảo, mỗi người đều có những khuyết điểm, đặc điểm riêng. Chính điều này đã tô điểm thêm nhiều sắc màu cho cuộc sống và giúp cho mỗi ngày của chúng ta trở nên đa dạng và thú vị hơn. Hơn nữa, việc ‘phán xét’ là hành động không chỉ để lại thương tích về thể xác nhưng lại có khả năng gây tổn thương về mặt tinh thần đối với những người nhận được những lời phán xét của người khác. Không ai có quyền phán xét người khác, trừ khi người đó vi phạm pháp luật!


Để có thể ngừng tâm lý tiêu cực này lại, có một số cách chúng ta có thể chủ động làm trước khi hành động này xảy ra. Đầu tiên, chúng ta nên học cách cảm thông với người khác và chấp nhận sự khác biệt. Không chỉ vậy, chúng ta có thể có cái nhìn tích cực hơn, nhìn vào điểm mạnh của họ và cố quên đi những mặc định tiêu cực trước đó về họ. Chúng ta hãy biến những lời phê phán, phán xét thành những lời góp ý hữu ích và cùng nhau phát triển, thay vì chỉ cố nhìn vào những điểm chưa hoàn thiện của người khác bạn nhé!


3. Lo lắng về những điều chưa xảy ra

Thường xuyên suy nghĩ về tương lai còn có thể được biến đến như một căn bệnh có tên là rối loạn lo âu. Tâm lý này trước đây thường xuất hiện ở những người lớn tuổi. Tuy nhiên, với cuộc sống hiện đại ngày nay, khi áp lực cuộc sống không còn chỉ dừng ở việc ‘ăn no’ mà nay đã trở thành ‘ăn ngon, mặc đẹp, chơi vui’, áp lực đặt lên người trẻ ngày một lớn. Căn bệnh này dần trở nên phổ biến hơn và có xu hướng ‘trẻ hoá’, nếu diễn ra trong một thời gian dài sẽ gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần. Người mắc bệnh rối loạn lo âu có tâm lý sợ hãi, lo lắng và thiếu tự tin trước khi làm bất kỳ một việc gì. Hơn nữa, việc thường xuyên có tâm lý này sẽ gây nên áp lực, khó ngủ, lo âu kéo dài, dẫn đến những căn bệnh như nhịp tim nhanh, đau dạ dày,.., từ đó ảnh hưởng đến tâm trạng, năng suất và chất lượng cuộc sống của chúng ta.

IMAGE: THEFASHIONOGRAPHY

Bởi vậy, tâm lý này nên được ngừng lại trước khi nó để lại nhiều hệ luỵ không mong muốn. Đầu tiên, chúng ta cần phải tập trung vào hiện tại. Có một câu nói rất nổi tiếng trên mạng hiện nay “Mình còn trẻ, cái gì vui vẻ thì mình ưu tiên". Chúng ta nên tập trung và tận hưởng vào những niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống hàng ngày, thay vì cứ mãi tập trung vào những thứ thậm chí còn có thể không xảy ra. Lo lắng về những điều chưa xảy ra chẳng khác nào vượt qua nó hai lần. Hơn nữa, chúng ta cũng cần phải xác định tinh thần rằng chúng ta không thể nào kiểm soát tất cả mọi thứ. Nắm được những việc chúng ta có thể làm để cải thiện kết quả và bắt tay vào cố gắng làm thật tốt những việc trong khả năng của mình sẽ dễ dàng hơn là chỉ ngồi một chỗ và lo lắng đúng không nào?


4. Ngừng sống để làm vừa lòng người khác

IMAGE: ZARA

Theo các nhà tâm lý học, thói quen này thường được hình thành từ thuở thơ ấu. Nó bắt nguồn từ mối quan hệ không lành mạnh giữa phụ huynh và con trẻ. Những đứa trẻ có bố mẹ quá nghiêm khắc thường có một lối sống ‘vỏ ốc’, có nghĩa là thu mình và sợ rằng những điều mình làm là sai trái. Từ đó, những đứa trẻ này cố gắng để làm theo ý kiến người khác và chúng tin như vậy là đúng bởi sau mỗi lần làm vậy chúng sẽ không bị mắng.


Chúng ta ai cũng từng nghe câu chuyện ‘Đẽo cày giữa đường’. Chín người mười ý, mỗi người sẽ có một quan điểm và cách thức khác nhau. Nếu chúng ta cứ cố sống để làm hài lòng mọi người thì sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Thứ nhất, người sống theo ý người khác sẽ mất đi nét riêng, tính đặc trưng của bản thân. Giống như câu chuyện ‘đẽo cày giữa đường’, nếu chúng ta cố làm vừa lòng tất cả mọi người, chúng ta sẽ là sự góp nhặt lẻ tẻ bởi chúng ta chỉ mải mê theo đuổi những hình mẫu đã dập khuôn từ trước. Hơn nữa, thành quả cũng không được trọn vẹn, giống như một chiếc máy không thể hoạt động nếu được ghép từ những mảnh lắp ráp không cùng kích cỡ. Thứ hai, họ cũng sẽ không có cơ hội để phát triển khả năng tư duy nhạy bén, sự sáng tạo và khả năng tự vệ, bảo vệ quan điểm của cá nhân bởi lẽ họ sẽ chỉ cố đi theo những lối mòn đã cũ. Hơn nữa, tâm lý muốn làm hài lòng người khác còn xảy ra khi chúng ta thường chấp nhận với mọi sự nhờ vả của những người xung quanh. Việc này đôi lúc dẫn đến sự quá tải và mệt mỏi, gây ảnh hưởng đến cả sức khoẻ thể chất và tinh thần.


Để tránh việc cố gắng làm hài lòng người khác, việc đầu tiên chúng ta cần làm là tin vào quan điểm của bản thân và yêu thương chính mình. Khi chúng ta không thích, không bằng lòng với điều gì, hãy học cách nói ‘không’ và từ chối những sự nhờ vả không phù hợp. Đôi khi việc thẳng thắn từ chối ngay từ đầu lại chính là cách để cứu vãn một mối quan hệ đang dần đi vào bế tắc. Từ đó, chúng ta có thể tự tin, sống vui vẻ và học cách làm ‘hài lòng bản thân’ thay vì những người xung quanh!


Đối diện với cuộc sống áp lực, đôi lúc chúng ta phải tự mình tìm cách gỡ bỏ những khúc mắc, thay đổi góc nhìn tích cực và có ích hơn, thay vì chờ một ngày thế giới tự ‘dịu dàng’ với mình. Mong rằng những gợi ý trên sẽ giúp bạn giải tỏa những áp lực tâm lý mà chính chúng ta thường vô tình tự tạo cho bản thân!



17 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page