Vyy Bui
ĐI LÀM NGÀNH THỜI TRANG NÊN TRÁNH ĐIỀU GÌ?
Đã cập nhật: 11 thg 5
Bằng những góc nhìn từ quan điểm cá nhân, mình dành bài viết hôm nay để chia sẻ về những điều chúng ta nên tránh khi bắt đầu một công việc trong lĩnh vực thời trang. Tất cả sẽ góp phần tạo nên một môi trường sáng tạo văn minh, thân thiện hơn.

"NHÌN MẶT MÀ BẮT HÌNH DONG"

Vệc ngay lập tức đánh giá người khác khi vừa gặp gỡ hoặc phán xét phong cách cá nhân của họ là điều sẽ cản trở sự thuận lợi và thăng tiến trong công việc. Có những cá nhân sẽ phán xét người khác chỉ vì "khác gu". Đừng vội nghĩ họ "không có gì đặc biệt", hay "cũng chẳng ấn tượng lắm" khi chưa làm việc cùng cũng như nhìn nhận sự cố gắng của họ. Giữ một thái độ khách quan và tầm nhìn cởi mở sẽ giúp môi trường sáng tạo trở nên văn minh hơn.
"CÁI TÔI" LẤN ÁT TẦM NHÌN CHUNG

Khi làm việc trong ngành thời trang, ta sẽ tiếp xúc vô vàn cá tính khác biệt cùng những ý tưởng sáng tạo trái ngược. Sự bất đồng quan điểm chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng sự tôn trọng lẫn nhau sẽ cứu cánh tất cả. Có thể phong cách của mỗi cá thể trong tập thể là riêng biệt, nhưng hạ cái tôi xuống và tin vào tầm nhìn chung sẽ tạo ra những điều phi thường.
TẬP TRUNG DUY NHẤT VÀO TRANG PHỤC

Ta thường nghĩ rằng mọi thứ trong ngành thời trang chỉ tập trung hoàn toàn vào những trang phục trên sàn diễn. Nhưng để các thương hiệu có đủ kinh phí duy trì các BST cũng như sản xuất hình ảnh, tổ chức show, thì họ cần có đủ nguồn lực về tài chính - vận hành - marketing. Việc lên ý tưởng cho BST và thiết kế cũng không diễn ra liên tiếp mà song song với nó, việc lên chiến dịch truyền thông, tương tác khách hàng, phát triển các mối quan hệ hợp tác và xây dựng quy trình sản xuất cũng chiếm đa số quỹ thời gian trong năm.
ĐÁNH MẤT BẢN THÂN

Bạn có tin rằng làm việc ở thương hiệu thời trang nào quá lâu thì bản thân cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi phong cách của nơi đó hoặc của NTK/Giám đốc sáng tạo hay còn là sếp của mình không? Sự thật là đa số mọi người sẽ bị như vậy nhưng ở các mức độ khác nhau. Học hỏi cái tốt của họ, nhưng đừng đánh mất bản thân hay khiến mình trở thành "bản sao" của người sếp.
Đó là lý do dù đi làm 2 năm nay nhưng mình luôn cố gắng duy trì sự độc lập về hình ảnh cá nhân, lối thiết kế, cách làm hình ảnh và cả các mối quan hệ.
ĐÁNH GIÁ THẤP VỀ CHI PHÍ MARKETING
Nguồn lực tài chính của các thương hiệu không chỉ dồn vào việc thiết kế và sản xuất các BST, chi phí marketing và truyền thông cho từng campaign cũng như sự kiện cũng rất đắt đỏ. Chi phí marcom luôn đi kèm việc sản xuất nội dung hình ảnh, quan hệ công chúng - báo chí, booking KOLs, celeb, duy trì mối quan hệ đối tác trong các dịp đặc biệt, quảng cáo...

LUÔN LÀM VIỆC MỘT MÌNH
Lĩnh vực sáng tạo cần những khoảnh khắc làm việc độc lập và có không gian riêng, nhưng điều đó không có nghĩa là ta sẽ luôn giải quyết mọi thứ một mình khi làm việc trong một doanh nghiệp thời trang. Các phòng ban liên quan đến nhau chặt chẽ từ sáng tạo - marcom - sản xuất - sales - sản xuất hình ảnh...để có thể ra mắt một BST.
