- Quan Anh Thu
ĐẸP TỰ NHIÊN NHƯNG KHÔNG TỰ NHIÊN MÀ ĐẸP #beauty_starter_kit
Đã cập nhật: 27 thg 1, 2022
Tiêu đề bài viết đầu tiên của chuyên mục beauty là một cụm khá quen thuộc với các bạn đúng không nhỉ?
Mấy năm về trước khi tìm hiểu về skincare, mình đã thấy cụm này trong một lần đọc post của chị mailovesbeauty review quyển tạp chí “Đẹp tự nhiên nhưng không tự nhiên mà đẹp” do chị Tăng Thanh Hà viết. Cùng đồng quan điểm với hai chị và rất nhiều beauty blogger khác mà mình có xem sau này, mình tin khi bắt đầu skincare hay làm bất kì điều gì, chúng ta cần giữ vững tâm lý rằng “chuyện làm đẹp là chuyện cả đời”. Da đẹp chắc chắn không phải tự dưng mà đẹp luôn. Tin mình đi đó là quảng cáo bạn nhé! Da đẹp không chỉ từ những việc như bôi kem dưỡng ẩm, rửa mặt mà còn đến từ ăn uống và tập luyện. Đẹp là khái niệm trừu tượng, đẹp vô hình vạn trạng; nhưng bạn sẽ luôn đẹp khi bạn khỏe mạnh và luôn yêu thương bản thân bằng những hoạt động như tập thể thao đều đặn, ăn uống cân đối,... Đọc xong thì mình đã nhớ tới tận bây giờ và thật ước gì mình được đọc quyển tạp chí đó (rất tiếc là hàng limited).
Vậy nên trong post ngày hôm nay, mình sẽ nói về những điều có thể bạn nghe rồi nhưng vẫn chưa thực hiện! Những bài đăng đầu tiên về mảng sức khoẻ & sắc đẹp sẽ dành cho những bạn đang bắt đầu tìm hiểu về skincare và mình mong #beauty_starter_kit sẽ mang lại cho các bạn thông tin cơ bản về kiến thức, tâm lý hay tips skincare mình đã từng trải nghiệm để bạn cũng là một người tiêu dùng thông minh với đồ skincare nha! Mình sẽ để link ở phần nguồn thông tin bên dưới để các bạn có thể tham khảo thêm.


1. Hãy để skincare như một thói quen!
Khi bắt đầu với skincare, mình nghĩ rằng nhiều bạn sẽ rất nản vì hàng ngày, bắt buộc chúng ta phải theo một chu trình nhất định và sẽ tốn thật nhiều công sức để buông điện thoại, bước ra khỏi giường và đến trước bàn skincare phải không?
Khi mình mới tìm hiểu về skincare, mình có va vấp phải cụm từ “skincare routine” (chu trình chăm sóc da). Nghe tới đây, có vẻ một số bạn sẽ cảm thấy nản, bởi với từ “chu trình”, thường chính bản thân mình đã nghĩ là phải lặp đi lặp lại và mình phải có “willpower”, sức mạnh ý thức để mình thực hiện điều đó hàng ngày. Còn tại sao mình lại nói hãy để skincare như một thói quen? Vì thường thói quen là thứ bạn làm mà không hề hay nghĩ tới, đó như điều hiển nhiên và bản năng của bạn mách bảo bạn làm.
Mình cũng là một người tin vào điều thần kì của việc làm từng chút một “Start Small”. Để biết kĩ hơn về chuyện Start Small, mình nghĩ bạn nên đọc cuốn sách “Tiny Habits” của B.J.Fogg. Những gì ông ấy có đề cập trong cuốn này là “big behavior changes require a high level of motivation that often can’t be sustained” có nghĩa là để thay đổi một thái độ lớn cần nhiều động lực và thường khó có thể bền vững được. Trong cuốn sách này, tác giả có đề cao chuyện tự tạo ra cho bản thân những thói quen nhỏ có khả năng thực hiện dễ dàng và nâng dần mức độ lên. Như thế chính bản thân mình sẽ làm quen được với thói quen đó hơn, ở đây cụ thể là skincare.
2. Có hai loại nước thần thánh: nước lọc và nước muối
Chắc hẳn ai cũng biết đến cụm 80% cơ thể con người là nước, nhưng có một điều bạn chưa biết đấy là da bạn đã chiếm đến 64%. Cơ thể cần nước để làm một ti tỉ thứ như khiến da cháy nắng lành nhanh, da căng mịn… Ngắn gọn, nước lọc rất tốt cho cơ thể và chúng ta cần uống đủ nước. Câu hỏi đáng đề đặt ra là như sau: “Ô thế bao nhiêu mới là đủ nhỉ? 2.5 lít nước một ngày?”
Không phải 2.5 lít mỗi ngày đâu. Câu chuyện là có lần mình đi tiêm: sau mũi tiêm COVID-19 bác sĩ có đặt câu hỏi đó với mình và mình cũng không ngần ngại mà đưa ra con số 2.5 lít. Mình đã khá sốc khi bác sĩ bảo không phải rồi và hỏi thêm về cân nặng, chiều cao trước khi đưa ra số lượng nước mình nên uống.
Vậy nên câu hỏi tưởng chừng đơn giản này không hề có câu trả lời nào phù hợp với tất cả mọi người nhé. Lượng nước uống thực chất nên được “cá nhân hoá” dựa theo nhiều yếu tố như chiều cao và cân nặng (có thể có cường độ vận động), nếu bạn không chắc hoặc không biết thì có thể hỏi bác sĩ nhé! Ngoài ra, mình có một công cụ “Hydration Calculator” để có thể tính được tình hình uống nước hiện tại của bạn và trạng thái giữ nước của bạn hàng ngày như thế nào. Các bạn có thể vào đây theo link này để biết thông tin và chỉ cần bỏ ra 3 phút mà thôi!
https://www.hydrationforhealth.com/en/hydration-tools/hydration-calculator/


Cứu tinh thứ hai cho làn da đó là nước muối. Mình thấy đây là loại “skincare” thần kì nhất từ trước đến giờ. Thực tế là từ khi bị mụn, mình sử dụng nước muối là toner (sử dụng sau sữa rửa mặt). Nước muối phù hợp với mọi loại da, đặc biệt là da mụn. Mình coi da mụn là những vết thương hở; nước muối có thể hút được những vi khuẩn trên da và làm giảm được những bã nhờn, hay đầu đen trên mặt. Rửa mặt bằng nước muối hàng ngày từ đó sẽ khiến bạn giảm mụn và có một làn da căng mịn.
Chia sẻ một chút của bản thân, thời gian đầu khi bước vào skincare thì mình chỉ sử dụng sữa rửa mặt và nước muối rồi đến dưỡng ẩm thôi. Đợt đó mới skincare nên mình cũng chỉ bắt đầu với ba sản phẩm đơn giản, có thành phần an toàn thường là dành cho da nhạy cảm. Kể cả sau này khi mình sử dụng những sản phẩm không phù hợp gây kích ứng da, mình cũng sẽ chỉ rửa mặt bằng nước muối (trước đó mình có thể sẽ tẩy trang nếu mình có bôi kem chống nắng khi ra ngoài đường). Nước muối không chỉ có khả năng hồi phục da một cách thần kì mà giá thành còn siêu rẻ! Quá đủ lý do để trở thành nước thần thánh đúng không?
3. Mụn là bạn!
Trước kia mình có hay tự ngứa tay ngứa mắt nhìn thấy mụn bất kể mụn chín hay mụn đang tạo nhân mình cũng nặn hết. Điều này rất hại cho bề mặt da của mình vì việc bóp bằng tay vừa khiến thâm da, làm mụn khó chữa hơn và thậm chí còn có thể gây miễn nhiễm trùng do tay chúng ta nhiều vi khuẩn nữa.
Và mình tin đây là câu nói quen thuộc chắc bạn đã nghe rất nhiều lần nhưng vẫn cần nhắc lại: Nếu bạn có nhu cầu hãy đi tới những cơ sở uy tín để được nặn mụn một cách bài bản và an toàn vệ sinh!

Ngoài nặn mụn, mình tin là có khá nhiều cách giảm mụn khác như lăn kim.. Mình nghĩ trước khi làm gì với mặt và đi theo một phác đồ nào, bạn nên tìm hiểu thật kĩ nhé. Ở độ tuổi học sinh lúc trước, mình không có điều kiện để có những buổi trị liệu cho da ở ngoài spa nên mình chỉ luôn cố giữ làn da sạch. Hiểu được rằng nặn một cái mụn trả giá bằng nhiều ngày nốt thâm nên mình chừa không dám đụng tay gì. Thật thần kì là làn da mình cũng khoẻ hơn và cũng giảm mụn đáng kể.
Vậy nên có hai điều mình muốn bạn nhớ: có mụn là bình thường, không phải để sống chung cả đời và cũng không phải để “xô xát” cả đời. Kể cả chăm da có kĩ tới mấy thì da mình cũng sẽ có những lúc siêu tệ và siêu đẹp. Mỗi lần bạn định ra tay với nốt mụn đáng ghét thì hãy nhớ đến hậu quả mình đề cập ở trên nhé.
4. Không ai hiểu da bạn hơn bạn cả!

Bạn nên dành thời gian tìm hiểu da bạn là loại da gì, trước khi mua một sản phẩm dưỡng da nào đó. Với từng loại da sẽ có những vấn đề riêng cần được giải quyết, hãy lắng nghe và hiểu rõ xem mình cần gì để có thể mua được sản phẩm phù hợp. Mình sẽ để ở đây link một skin quiz giúp mọi người có thể hiểu rõ hơn về làn da của mình và định nghĩa được mục đích của chu trình skincare.
https://sokoglam.com/pages/skin-quiz
Website Sokoglam cũng có thể đặt lịch tư vấn dùng loại skincare nào nữa, bạn có thể xem thêm ở link này.
https://sokoglam.com/pages/your-skin-concierge
Khi biết được nhu cầu của làn da, bạn nên tìm hiểu thêm tips và một số thành phần để có thể dễ dàng chăm sóc làn da của mình. Bạn có thể dễ dàng tra cứu những thành phần làm sáng da, giảm mụn trên mạng nhưng cá nhân mình sẽ thích đọc sách bởi những nội dung được viết có phần cô đọng hơn. Có hai cuốn sách mình đọc và khá ưa thích đó là The Best Skin of Your Life Starts Here của Paula Begoun (Founder của hãng skincare mình ưa thích - Paula Choice) và The Little Book of Skin Care: Korean Beauty Secrets for Healthy, Glowing Skin của Charlotte Cho (Founder của SokoGlam, thương hiệu bán lẻ sản phẩm Hàn Quốc tại Mỹ). Ở những bài viết sau mình sẽ chia sẻ kĩ hơn về hai cuốn sách gối đầu giường khi tìm hiểu về skincare này.

5. Hãy luôn hiểu rằng mỹ phẩm hay đồ skincare đều rất CÁ NHÂN
Mục cuối của bài hôm nay thì mình sẽ nhắn nhủ ngắn gọn. Trên thị trường có rất nhiều loại skincare khác nhau. Có thể với người này hợp có người kia không hợp là chuyện rất bình thường, kể cả khi sản phẩm đó cho người cùng loại da. Hãy luôn tin rằng sẽ có sản phẩm bạn chắc chắn sẽ coi đó là chân ái cuộc đời và bạn sẽ mua đi mua lại sản phẩm đó. Con đường tìm thấy sản phẩm phù hợp cũng sẽ gập ghềnh đầy chông gai và có đôi khi sẽ đắt đỏ.. Để giảm thiểu chi phí thì mình nghĩ các bạn có thể mua travel size để dùng thử sản phẩm đó trước khi quyết định mua loại size to.
Lời cuối
Bài viết ngày hôm nay kết thúc tại đây. Hẹn các bạn ở post tiếp theo và mình mong trải nghiệm của mình sẽ mang lại cho các bạn những bước đầu tiên để chăm sóc làn da của mình một cách đúng đắn hơn. Nếu các bạn có băn khoăn gì về làm đẹp hãy chia sẻ với chúng mình nha!
References:
https://www.nytimes.com/2020/02/18/well/mind/how-to-build-healthy-habits.html
https://hbr.org/2021/02/what-does-it-really-take-to-build-a-new-habit
https://skinkraft.com/blogs/articles/benefits-of-drinking-water-for-skin
https://www.health.harvard.edu/staying-healthy/how-much-water-should-you-drink
https://www.healthshots.com/beauty/natural-cures/benefits-of-washing-face-with-salt-water/